Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để sớm khống chế dịch

Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang tiến hành thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Các chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) cùng Ban Chỉ huy quân sự phường 8 (quận 10) tặng lương thực cho người lao động.

Các chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) cùng Ban Chỉ huy quân sự phường 8 (quận 10) tặng lương thực cho người lao động.

Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân tuân thủ các quy định

Tại TP Hồ Chí Minh, tối 22/8, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp tăng cường thực hiện các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đêm 22 và sáng 23/8, nhiều tuyến đường rất vắng người, chỉ có những người được ưu tiên ra đường làm nhiệm vụ đi lại.

Đại diện Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày đầu thực hiện việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, người dân đã tuân thủ rất nghiêm. Các lực lượng trực chốt kiểm tra, kiểm soát rất kỹ những trường hợp lưu thông trên đường. Những trường hợp không thuộc diện ưu tiên, lực lượng chức năng kiên quyết mời họ quay trở lại. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến trưa 23/8, lượng phương tiện, nhất là xe mô-tô ra đường giảm khoảng 85% so với ngày trước đó.

Siết chặt giãn cách nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh Bình Dương chỉ đạo TP Thuận An và thị xã Tân Uyên thực hiện “khóa chặt, đông cứng” vùng đỏ đậm đặc F0 tại 11 phường với 719.048 người từ ngày 22/8 đến 6/9. Trong hai ngày qua, tại 11 phường “khóa chặt, đông cứng”, các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội được thực thi quyết liệt và ở mức độ cao hơn, người dân chấp hành nghiêm túc và yên tâm ở yên trong nhà. Chủ tịch UBND thành phố Thuận An (Bình Dương) Nguyễn Thanh Tâm, cho biết, nhìn chung, người dân ở các địa phương chấp hành khá nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh; lực lượng được giao nhiệm vụ đã tập trung thực hiện nghiêm các yêu cầu.

Tại Long An, ngày đầu thực hiện thêm biện pháp “không để người dân rời khỏi nơi cư trú”; “ai ở đâu ở đó” đã được người dân chấp hành rất tốt. Tất cả tuyến đường từ TP Tân An đến các xã, phường, thị trấn… đều được bố trí lực lượng trực liên tục 24 giờ trong ngày kiểm soát người đi đường. Các địa phương đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người dân biết để liên hệ hỗ trợ khi cần thiết.

Tại Đồng Nai, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát tại chốt trên các tuyến giao thông. Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến, trên địa bàn vẫn diễn ra tình trạng người dân tự phát đi xe máy tìm cách vượt chốt kiểm soát, nhất là trên đoạn quốc lộ 1A giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận để về các tỉnh miền trung.

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, lực lượng công an đã tăng cường thêm biện pháp bảo đảm an ninh trật tự ở các chốt kiểm soát, kiên quyết không để người dân tự ý rời nơi ở trong lúc đang thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng từng nhóm người dân tụ tập trên một số tuyến đường khi không qua được chốt kiểm soát, lực lượng công an đã giãn cách các nhóm này thành từng tốp nhỏ và hỗ trợ đưa họ trở về nơi ở cũ.

Cùng với siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát Covid-19 diện rộng và tiêm vắc-xin cho người dân. Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 22/8, thành phố đã đạt 5.447.056 mũi tiêm. Thành phố tận dụng thời gian giãn cách xã hội tăng cường để đẩy nhanh công tác xét nghiệm toàn thành phố.

Tại phường Thuận Giao, TP Thuận An (Bình Dương), với 102 nghìn dân, từ ngày 22/8, hàng trăm thành viên đã tổ chức thành nhiều đội cùng lực lượng hỗ trợ lấy mẫu đã tổ chức các điểm xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng để bóc tách F0.

Mục tiêu của Long An là đến giữa tháng 9 sẽ tiêm vắc-xin mũi một cho hơn 1,3 triệu dân và mũi hai cho toàn dân tại năm địa phương vùng đỏ, gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An. Tỉnh Long An quyết tâm chuyển “vùng vàng thành vùng xanh” và khoanh chặt, thu hẹp, triệt tiêu “vùng đỏ”.

Không để người dân nào thiếu đói

Trong ngày 23/8, phần lớn các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Một số hệ thống bán lẻ lớn như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Aeon Việt Nam, Big C, MM Mega Market, Lotte Mart… vẫn đang tiếp tục làm việc với Sở Công thương và chính quyền địa phương để hoàn tất các công tác chuẩn bị cho hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là việc cấp giấy đi đường cho lực lượng lao động liên quan.

Xét nghiệm diện rộng để tách FO khỏi cộng đồng ở TP Thuận An (Bình Dương).

Các hệ thống siêu thị chuyển sang bán hàng theo hình thức “đi chợ hộ”, giao hàng cho đại diện chính quyền và các đoàn thể địa phương. Đại diện SATRA cho biết, hệ thống bán lẻ của đơn vị vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 phút hằng ngày, thực hiện phương án “ba tại chỗ”, đồng thời kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo đảm phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức “đi chợ hộ” của Tổ Covid-19 cộng đồng.

Trong ngày đầu được phân công về các địa phương ở TP Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã bắt tay ngay việc đi chợ giúp người dân. Chị Bùi Thị Thúy, ngụ phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức cho biết, sáng ra, gia đình rất bất ngờ vì có chiến sĩ mang thực phẩm tươi đến cho gia đình chị và nhiều người dân trong hẻm. Nhiều người dân cũng cho hay, họ cảm thấy rất ấm áp và yên tâm khi được các lực lượng luân phiên hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu để yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Bí thư Đảng ủy phường 5, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) Trần Ngọc Phượng cho biết, phường đã làm việc với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm triển khai cho người dân “mua sắm online”. Khi nhận được đơn hàng qua mạng, các nhà phân phối sẽ chọn các món hàng theo nhu cầu của người dân và có lực lượng giao hàng tận nơi.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, thành phố đã vận động được hơn 1.861.000 túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…) và từ đây đến ngày 6/9 dự kiến sẽ chuyển 1.360.000 phần quà về TP Thủ Đức và các quận, huyện để trao đến các hộ dân gặp khó khăn. Trung tâm còn triển khai đội hình phản ứng nhanh để hỗ trợ tức thì cho các đối tượng cần cứu trợ khẩn cấp.

Ngày 22/8, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày (từ ngày 22/8 đến 6/9) và 7,5 kg gạo/người cho người dân sống tại 11 phường thuộc TP Thuận An và thị xã Tân Uyên thực hiện “khóa chặt, đông cứng”.

Bình Dương hỗ trợ 15 kg gạo/người cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng trên toàn tỉnh; hỗ trợ 7,5 kg gạo/người cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các thị xã, thành phố: Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, để người dân thật sự yên tâm “ai ở đâu ở đó”, Long An đang chi hỗ trợ cho chín nhóm đối tượng theo chu kỳ giãn cách lần thứ hai. Ngoài các đối tượng được hưởng theo Nghị quyết 68, Long An đang bổ sung thêm một số đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hỗ trợ công nhân ngoài tỉnh, công nhân ngoài “vùng đỏ” đang kẹt lại trong “vùng đỏ” hiện đang rất khó khăn. Đối với gói hỗ trợ hơn 800 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, sau khi nhận được, tỉnh sẽ chuyển hỗ trợ ngay cho công nhân kẹt lại tại “vùng đỏ”, người nghèo, lao động tự do trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu, với nguồn lực ủng hộ của xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẩn trương chuyển tất cả cho các huyện, thành phố để phân bổ về cấp xã hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất. Mỗi xã, phường phải có một kho lương thực và quỹ tiền để cấp cho những hộ dân nào gặp khó khăn ngay tức khắc, không để lại một đồng nào ở cấp tỉnh, huyện. Ngoài các gói hỗ trợ hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị gói hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động với tổng số tiền 263 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: “Nếu để một người dân Đồng Nai nào bị đói, Bí thư Tỉnh ủy xin từ chức. Trước khi tôi từ chức, một số đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở phải từ chức nếu để xảy ra việc này. Các đồng chí bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình ra để bảo đảm không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói”...

NHÓM PHÓNG VIÊN CQTT TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/thuc-hien-dong-bo-quyet-liet-cac-giai-phap-de-som-khong-che-dich-661290/