Thực hiện dự án đầu tư: Nhiều vi phạm, chưa chấn chỉnh kịp thời
Mới đây, qua giám sát nhiều dự án xây dựng khu dân cư (KDC), khu công nghiệp (KCN), đường giao thông... tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh phát hiện hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh vừa giám sát một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đó là dự án: Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF (Lục Ngạn); hạ tầng kỹ thuật KDC và hồ điều hòa phường Đa Mai (TP Bắc Giang); khu đô thị (KĐT) mới Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên); nâng cấp, cải tạo đường tỉnh (ĐT) 292 (Lạng Giang); xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Yên Lư (Yên Dũng).
Qua giám sát, điểm vi phạm chung được phát hiện là các địa phương đều chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Điển hình như tại dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF do Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt làm chủ đầu tư. Khi thu hồi đất, bồi thường GPMB, UBND huyện Lục Ngạn chưa tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Cụ thể, thành phần hồ sơ thu hồi đất thiếu trích lục bản đồ quy hoạch sử dụng đất theo quy định. Huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ còn sai sót; tính toán kinh phí và chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho một số hộ gia đình, cá nhân đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất song không có các giấy tờ có chữ ký theo quy định của các bên liên quan. Quá trình thiết lập hồ sơ xác minh nguồn gốc đất, loại đất đối với một số thửa đất do người dân tự khai phá không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định.
Còn tại dự án hạ tầng kỹ thuật KDC và hồ điều hòa phường Đa Mai, công tác lập hồ sơ thu hồi đất, phương án bồi thường GPMB còn sai sót trong việc kiểm kê, quy chủ, xác định nguồn gốc đất dẫn đến phải điều chỉnh quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường. Tương tự, tại dự án nâng cấp, cải tạo ĐT 292, công tác xác định danh mục bồi thường cây lâu năm trồng trên đất lúa trong phương án bồi thường đối với một số trường hợp chưa đúng quy định; tính toán sai kinh phí dẫn đến làm tăng kinh phí bồi thường.
Tình trạng này còn xảy ra tại KĐT mới Ninh Khánh, thị trấn Nếnh. Địa phương bồi thường, hỗ trợ GPMB một số thửa đất giao thông, thủy lợi đã điều chỉnh từ đất công sang đất giao ổn định dẫn đến làm tăng chi phí bồi thường... Công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB của dự án chậm 18 tháng so với kế hoạch.
Không chỉ sai phạm trong công tác bồi thường GPMB, hầu hết các chủ đầu tư dự án thực hiện còn chậm tiến độ, vi phạm về lĩnh vực xây dựng, môi trường. Ông Vũ Tấn Cường, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) chỉ rõ, dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF đến nay nhà đầu tư mới hoàn thành 2/3 hạng mục. Xưởng sản xuất gỗ chưa được xây dựng...
Tại dự án KĐT mới Ninh Khánh, nhà đầu tư đã thi công cơ bản xong hạng mục san nền, làm vỉa hè, nền đường, chiếu sáng…, đang thi công hệ thống cấp nước trong khi chưa có quyết định chuyển mục đích và giao đất, chưa có giấy phép xây dựng. Đồng thời chưa thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường đó là sử dụng tôn cao 2 m che chắn xung quanh khu vực dự án; chưa hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý chất thải, quan trắc định kỳ. Chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Yên Lư cũng xây dựng một số công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 130 triệu đồng vào tháng 4 vừa qua.
Khẩn trương khắc phục
Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy tình trạng trên trước hết là do cơ quan chức năng của các huyện, TP chưa làm tròn trách nhiệm, chưa tuân thủ nghiêm các quy định trong công tác bồi thường GPMB nên để xảy ra vi phạm. Qua giám sát, các thành viên trong đoàn chỉ rõ, việc xử lý vi phạm của UBND huyện Việt Yên đối với chủ đầu tư thực hiện dự án KĐT mới Ninh Khánh còn hạn chế. Trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Yên Lư chậm phát hiện.
Để chấn chỉnh sai phạm, qua giám sát, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời khẩn trương khắc phục bất cập, hạn chế, sớm đưa dự án vào khai thác, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Trước những vi phạm của dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF, đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn thừa nhận là chưa xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Ngoài nguyên nhân trên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư các dự án chưa tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Được biết, mục tiêu của việc thực hiện các dự án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương. Qua giám sát, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư triển khai các hạng mục còn lại của dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định. Huyện Lục Ngạn nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý, giám sát thực hiện dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hiệp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF.
Huyện xem xét kiến nghị với UBND tỉnh biện pháp xử lý nếu chủ đầu tư tiếp tục để chậm tiến độ, quá thời gian được gia hạn sử dụng đất mà chưa đưa vào sử dụng. UBND TP Bắc Giang rà soát lại công tác lập hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường GPMB của dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, tới đây địa phương sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, nhà đầu tư khẩn trương khắc phục bất cập, hạn chế. Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án chậm tiến độ, huyện đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi dự án. UBND TP Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng cũng đang tiến hành rà soát, chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục sai sót, xử lý nghiêm đối với các lỗi vi phạm, đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác.
Bài, ảnh: Minh Linh