Thực hiện dự án PPP: Đổi tư duy 'xin cho' sang cơ chế 'phục vụ'

y là lần đầu tiên khung pháp lý về đầu tư PPP được thiết kế ở cấp cao nhất - cấp Luật. Tuy nhiên, cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế 'xin cho' sang cơ chế 'phục vụ' để thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực...

Bài liên quan

Bất cập triển khai các dự án PPP: Cần điều chỉnh để bình đẳng, an toàn, hiệu quả

Để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn

Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo về tình hình ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư PPP tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 về vấn đề Luật đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

“Đây là lần đầu tiên khung pháp lý về đầu tư PPP được thiết kế ở cấp cao nhất - cấp Luật, tạo cơ sở pháp lý cao, vững chắc cho việc thực thi các dự án PPP trong thời gian tới”, ông Trương nói.

Ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư PPP thì Bộ, ngành và địa phương phải lưu ý xử lý dứt điểm các dự án BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) đang thực hiện ở bước phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đề nghị.

Luật PPP đã có quy định về việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP sẽ có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP.

Bên cạnh đó, Bộ, ngành và địa phương cần lưu ý việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu phải được quyết định từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP. Cùng với việc dự kiến nguồn lực để thực hiện việc chia sẻ giảm doanh thu bảo đảm tính khả thi của các hợp đồng PPP được ký kết.

Về mặt thực thi, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, Bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu đầu tư, nguồn lực từ ngân sách có thể huy động, để từ đó xác định rõ được phần thiếu hụt và cần huy động từ khu vực tư nhân.

"Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế “xin cho” sang cơ chế “phục vụ”" bởi vì lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", vị này nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Trương đề xuất, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp; Bộ, ngành và địa phương cần triển khai các phương thức mới và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-hien-du-an-ppp-doi-tu-duy-xin-cho-sang-co-che-phuc-vu-post112982.html