Thực hiện đúng tiến độ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai

Cơ bản tán thành với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, song nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế liên quan đến nguồn lực đất đai, quy hoạch treo, chất lượng tinh giản biên chế... Các đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung cao độ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành đồng bộ thể chế pháp luật liên quan đến đất đai, trọng tâm là thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, tăng cường kiểm tra, giám sát, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ): Lãng phí to lớn nguồn lực đất đai

Ảnh: Hồ Long

Năm 2021, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình tổng thể và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đất đai, trong năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tổng kết, đánh giá thực tiễn để từng bước hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai. Công tác quản lý và sử dụng đất đai được tăng cường. Nguồn thu từ đất đai tăng cao, đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% thu ngân sách nội địa. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Những sai phạm cụ thể, tồn tại này gây lãng phí to lớn về nguồn lực đất đai cũng như hậu quả lâu dài cho xã hội và người dân.

Đề nghị Chính phủ tập trung cao độ chỉ đạo các bộ, ngành của trung ương nghiên cứu, ban hành đồng bộ thể chế pháp luật liên quan đến đất đai. Trọng tâm là thực hiện đúng tiến độ kế hoạch để trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo kế hoạch của Quốc hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thi hành Luật Đất đai hiện hành để triển khai và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên đặc biệt này.

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái): Tránh lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của đơn vị sự nghiệp công

Ảnh: Hồ Long

Liên doanh, liên kết giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là một trong những phương thức thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ công của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua đó, các đơn vị sự nghiệp có thêm nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực cũng như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có sai phạm phải bị xử lý kỷ luật và cả xử lý hình sự, gây bất bình trong xã hội và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên, trong đó có nguyên nhân là do thể chế chính sách của Nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, không đủ cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện hoặc các quy định hướng dẫn không rõ ràng khi triển khai thực hiện sẽ dễ dẫn đến sai phạm. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế về liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau): Kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án

Năm 2021, trong nước tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, diễn biến phức tạp hơn, bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, buộc chúng ta phải áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có tiền lệ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản, tối ưu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, ở nơi này, nơi khác, ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác, việc lãng phí còn diễn ra trong một thời gian dài mà chưa có giải pháp khắc phục.

Quy hoạch treo - nội dung "biết rồi nói mãi" nhưng “không nói không được”, vì qua tiếp xúc cử tri, qua báo cáo của MTTQ, của Ban Dân nguyện và cả sự thừa nhận của chính quyền các cấp về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Điều đáng nói là dù biết vậy, dù bức xúc như vậy, dù được đề cập nhiều đến vậy, nhưng năm tháng trôi qua quy hoạch treo vẫn "trơ mình cùng tuế nguyệt". Nước ta là một nước nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng bậc nhất, quyết định để tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội. Ông bà ta có câu "tấc đất, tấc vàng" - nhiều dự án treo đất bỏ hoang, bỏ không, hàng tỷ “tấc đất” thì chúng ta đã lãng phí bao nhiêu “tấc vàng”? Trong khi hàng nghìn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng nghìn, hàng chục nghìn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập. Điều này rất cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn về nhu cầu của xã hội, nguồn lực đáp ứng, khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang): Chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không?

Ảnh: Hồ Long

Theo báo cáo, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 rất đáng ghi nhận. Biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan. Tuy nhiên, cần phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không? Ở một số cơ quan, địa phương phản ánh tình trạng cào bằng giữa các đơn vị dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác, thì lại vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung. Như vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm. Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế chịu trách nhiệm về nội dung này.

A. Phương thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/thuc-hien-dung-tien-do-trinh-quoc-hoi-sua-doi-luat-dat-dai-i291094/