Thực hiện hiệu quả hoạt động thông tin thị trường lao động

Trong điều kiện thị trường lao động tỉnh phát triển chậm, các doanh nghiệp có quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa, việc thực hiện hiệu quả các hoạt động thông tin thị trường lao động, định hướng, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Việc làm này không những hỗ trợ người lao động sớm tìm kiếm được việc làm, ổn định thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Sàn giao dịch việc làm - Ảnh: H.N

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Sàn giao dịch việc làm - Ảnh: H.N

Thị trường lao động vừa phục hồi sau 2 năm gánh chịu hậu quả nặng nề của COVID-19 thì trong 6 tháng đầu năm 2023 lại bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Điều này đòi hỏi tỉnh cần có những giải pháp tích cực trong việc dự báo cung - cầu và phát triển thị trường lao động.

Nhằm giúp người lao động trên địa bàn tìm kiếm việc làm sau đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động; khảo sát, đánh giá xu hướng phát triển của thị trường lao động cũng như tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác cung ứng, kết nối thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Chú trọng đa dạng hóa ngành nghề, thực hiện phương châm: đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu học nghề của người lao động và định hướng phát triển của thị trường lao động.

Trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, trung tâm thường xuyên tiếp cận, làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động; theo dõi, cập nhật thông tin tuyển dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Cục Việc làm, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm và các trung tâm dịch vụ việc làm trong nước để lựa chọn, tổng hợp, xây dựng dữ liệu về nguồn cầu lao động.

Bên cạnh đó, trung tâm đã cập nhật thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động qua hoạt động tư vấn trực tiếp hằng ngày tại trung tâm, các văn phòng đại diện cũng như tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động theo nhu cầu tuyển dụng của đơn vị, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị còn tiếp cận thông tin tìm kiếm việc làm của lực lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp và của lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ của trung tâm để xây dựng, hình thành nên nguồn cơ sở dữ liệu về nguồn cung lao động.

Với việc thu thập, xử lý, phân tích, dự báo, bình quân hằng năm, trung tâm đã cung cấp, truyền tải hàng chục nghìn lượt thông tin thị trường lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp và trên 30 hội nghị tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.

Theo số liệu thống kê dự báo cung - cầu lao động năm 2023 và 2024, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 7.000 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và hơn 250 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Riêng địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa có hơn 500 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và hơn 30 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng.

Phó Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động và Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Từ việc thực hiện hiệu quả công tác thông tin thị trường lao động, trung tâm đã tăng cường công tác tổ chức đào tạo, giới thiệu học nghề gắn với định hướng phát triển của thị trường lao động tại địa phương cũng như cả nước. Tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp như: nghề may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí, pha chế đồ uống, chế biến món ăn, xây dựng; tổ chức tuyển sinh, đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hàn, tiếng Nhật) cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo thống kê, có hơn 80% lao động trên địa bàn tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp, qua đó góp phần tạo nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc giải quyết việc làm tại chỗ, giúp người lao động chuyển đổi nghề, tạo thêm nghề mới để phát triển kinh tế. Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị triển khai công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Xây dựng các chương trình khuyến khích, hỗ trợ và cùng doanh nghiệp trực tiếp tham gia tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp cận với các doanh nghiệp đang, sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh, nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động để lên kế hoạch khảo sát, từ đó phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin về quy mô, nội dung, loại hình đào tạo để Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị thực hiện tư vấn, hướng dẫn người lao động thất nghiệp tham gia học nghề nhằm thụ hưởng các chế độ theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thuc-hien-hieu-qua-hoat-dong-thong-tin-thi-truong-lao-dong/180216.htm