Thực hiện hiệu quả, toàn diện công tác tư pháp

Công tác tư pháp luôn có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo trật tự, công bằng xã hội và bảo vệ quyền con người. Ngày 18/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 46 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tư pháp. Chỉ thị đã nhanh chóng được các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch chi tiết, bài bản, khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.

Công chức tư pháp tại bộ phận "một cửa", UBND phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Trường Khanh

Công chức tư pháp tại bộ phận "một cửa", UBND phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Trường Khanh

Xác định vai trò quan trọng của công tác tư pháp, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tư pháp. Nhờ đó, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, bộ máy cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Trong đó, việc xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được các sở, ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Việc thẩm định văn bản được Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung chưa phù hợp hoặc nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định hơn 600 lượt dự thảo văn bản QPPL; tham mưu HĐND tỉnh ban hành hơn 50 chính sách đặc thù liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, công nghiệp, đất đai, nông nghiệp… có tác động lớn đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Đối với hoạt động kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC), hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác xử lý VPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng…

Trong 5 năm gần đây, thông qua công tác kiểm tra, phát hiện, xử phạt hơn 200 nghìn trường hợp, hành vi VPHC và chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp của cơ quan chức năng về phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm; lưu hồ sơ xử lý VPHC… Từ đó, có biện pháp khắc phục, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Tư pháp Vũ Giang Hậu cho biết: "Ngoài những kết quả nổi bật trên thì công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý cũng như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được củng cố, tăng cường. Công tác quản lý hộ tịch, chứng thực, hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Có lúc, có nơi, chất lượng hồ sơ một số dự thảo văn bản QPPL đề nghị thẩm định còn thấp. Việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL chưa được thực hiện thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn bị động. Hiệu quả công tác quản lý, xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật chưa cao. Đến nay, công tác đăng ký quản lý hộ tịch, chứng thực trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết…".

Để công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của công tác tư pháp; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sở Tư pháp tăng cường quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội; tập trung kiểm tra các đơn vị ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhằm kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh vi phạm.

Quan trọng nhất, đơn vị dành nhiều nguồn lực để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, phát động và tổ chức hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm cổ vũ, động viên công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì sự phát triển toàn diện của tỉnh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95031//thuc-hien-hieu-qua-toan-dien-cong-tac-tu-phap