Thực hiện Nghị quyết 68: Đề xuất bổ sung đối tượng nhận hỗ trợ

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghị quyết 68 của Chính phủ đang được các địa phương triển khai đồng loạt. Tính đến ngày 4/10, tỉnh phê duyệt hỗ trợ trên 5.400 người với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng, số hồ sơ còn lại đang hoàn tất thủ tục trình phê duyệt. Hiện nay, sở đang phối hợp rà soát lao động (LĐ) tự do và LĐ đặc thù khác để đề nghị bổ sung hỗ trợ, tránh bỏ sót đối tượng.

Thực hiện Nghị quyết 68

Người lao động vui mừng nhận tiền hỗ trợ.

Người lao động vui mừng nhận tiền hỗ trợ.

Kiến nghị bổ sung lao động thụ hưởng

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, rất nhiều LĐ tự do có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong danh sách được hỗ trợ. Do vậy, các địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, sớm bổ sung để họ có điều kiện vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ông Huỳnh Thúc Chí – Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến – TP. Phan Thiết cho biết: Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, phường Hàm Tiến đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Phường chỉ đạo Ban điều hành các khu phố, các tổ Covid-19 cộng đồng đến trực tiếp nơi lưu trú của người LĐ có nhu cầu hỗ trợ để gửi đơn đề nghị hỗ trợ. Đồng thời thu lại mẫu đơn để rà soát, xét duyệt tổng hợp danh sách đủ điều kiện gửi về phường. Đến thời điểm này, phường họp xét cho 198 hồ sơ đủ điều kiện và chuyển lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố. Ngoài ra các khu phố tiếp tục tiếp nhận 3.000 hồ sơ, đã họp xét tại khu phố 1.550 hồ sơ đủ điều kiện, đang hoàn thiện danh sách trình lên phường. Đến thời điểm hiện tại UBND phường chưa nhận đơn khiếu nại nào của công dân.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tiếp cận người dân cấp phát đơn và đi thu lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 2108, phường còn nhiều LĐ tự do thuộc các ngành nghề khác bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn do thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 2/8 đến nay. Cụ thể, LĐ biển, các tiệm sửa xe, rửa xe, hớt tóc không máy lạnh, các cơ sở bán và chăm sóc cây cảnh, các tiệm may mặc, cơ sở làm mộc, dịch vụ tiệc cưới, dịch vụ quảng cáo, văn phòng phẩm, dịch vụ cho thuê xe máy, bán shop, bốc vác… Chính vì vậy, phường kiến nghị tỉnh cần mở rộng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên. Mặt khác, việc quy định không yêu cầu người LĐ xác nhận tại nơi làm việc chính, gây khó khăn trong công tác xét duyệt, vì thực tế có nhiều LĐ làm việc tại các cơ sở kinh doanh ở những địa phương khác.

Hơn 5.400 lao động tự do được hỗ trợ

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện Quyết định 2108 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do), đến ngày 4/10, sở đã tiếp nhận gần 12.000 hồ sơ hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố với tổng số tiền dự kiến chi trên 17,8 tỷ đồng. Thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 5.453 người với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng, số hồ sơ còn lại đang hoàn tất thủ tục trình phê duyệt. Công việc chính của người LĐ trước khi mất việc làm chủ yếu là nghề chạy xe ôm; bán lẻ vé số lưu động; phụ bán cà phê; bán phở; bán bánh mì, bánh ướt; bán mì xào, cơm chiên; bán hàng rong (đồ chơi trẻ em); thợ sơn nước; thợ hồ; phụ hồ; tài xế xe khách; lái xe vận tải hàng hóa; bán sinh tố trái cây; thợ điện; bán cơm gà; làm uốn tóc; bán nước mía, chanh dây…

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương đã khẩn trương triển khai hướng dẫn người LĐ lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách. Tuy nhiên, do vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch vừa triển khai thực hiện chính sách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong công tác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ dẫn đến tiến độ thực hiện cũng còn hạn chế. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát LĐ tự do và LĐ đặc thù khác đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 để đề nghị bổ sung hỗ trợ, tránh bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, sở sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, xử lý những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Mặt khác, tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền. Tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Tính đến ngày 4/10, toàn tỉnh có 3.188 đơn vị, doanh nghiệp với 86.400 LĐ thuộc diện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền giảm đóng trên 27,9 tỷ đồng; 13 doanh nghiệp với 3.797 LĐ được BHXH tỉnh giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 22,4 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương, có 129 doanh nghiệp với 4.234 LĐ được hỗ trợ trên 16,3 tỷ đồng...

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/thuc-hien-nghi-quyet-68-de-xuat-bo-sung-doi-tuong-nhan-ho-tro-142056.html