Thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, đến 18 giờ ngày 10-5, Việt Nam trải qua 24 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, đến 18 giờ ngày 10-5, Việt Nam trải qua 24 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong tổng số 288 ca nhiễm được ghi nhận thì có 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 11.130, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện chỉ còn 180 người, còn lại là cách ly tập trung tại cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trong số những người còn đang điều trị, có 20 người đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, trong đó số ca âm tính lần hai trở lên là 14 người.
* Sáng 10-5, các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn cùng các bệnh viện: Hữu nghị Việt Ðức, T.Ư Huế, Chợ Rẫy, Bạch Mai và Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Ðiều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi cho người bệnh Covid-19 thứ 91 (phi công người Anh, hiện đang trong tình trạng rất nguy kịch). Các chuyên gia đã đề xuất xem xét khả năng chuyển người bệnh sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi. Ðây là người bệnh Covid-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu.
Người bệnh bị rối loạn đông máu và kháng toàn bộ các loại thuốc chống rối loạn đông máu đang được dùng trong nước (Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài). Người bệnh đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO; kết quả xét nghiệm ngày 9-5 dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, mặc dù đã nhiều lần có kết quả âm tính.
Về trường hợp người bệnh nặng còn lại (người bệnh thứ 19) điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 có tiến triển tốt, đang trong giai đoạn hồi phục.
* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 9-5, tỉnh đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho 13.397 người dân huyện miền núi Nam Trà My gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðây là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ. Ðối tượng được chi trả là người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội trong cộng đồng, người nghèo và cận nghèo. Bưu điện huyện Nam Trà My phối hợp chính quyền địa phương tổ chức 10 điểm cấp tiền tại 10 xã trong huyện. Huyện Nam Trà My đang tiếp tục rà soát danh sách người lao động tự do, hộ kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để lập kế hoạch chi trả trong đợt tiếp theo.
* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) vừa có Công điện số 4 về việc thực hiện Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Bộ trưởng LÐ-TB và XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp, các doanh nghiệp khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ; đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng. Thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng; tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...
* UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1724/UBND-KGVX về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và người dân, doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường trong các hoạt động kinh tế - xã hội, để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp tiếp tục duy trì các đội phản ứng nhanh, phòng chống dịch cơ động, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả; tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng... Các cơ sở khám, chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường, nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thành phố dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng; không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học, không bắt buộc giáo viên và học sinh đeo khẩu trang trong lớp học. Các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm đúng nguyên tắc, đối tượng, công khai, minh bạch, kịp thời, không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách.
* Ngày 10-5, đoàn công tác của Bộ LÐ-TB và XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ tại Thanh Hóa. Ðoàn đã kiểm tra việc thực hiện chính sách ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia và phường Ðông Vệ, TP Thanh Hóa; nắm bắt phản ánh của chính quyền cơ sở, nhân dân về việc rà soát, xác định lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19. Ðến nay, bưu điện cùng các huyện, thị xã, thành phố, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cấp phát gần 136 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 100 nghìn người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, người nghèo và cận nghèo. Nhóm đối tượng còn lại, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức rà soát, tổng hợp để thực hiện việc chi trả trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa trong việc nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ đến người dân, đồng thời nhấn mạnh phải triển khai gói hỗ trợ minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách.