Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong những tư tưởng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng.

Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”.

Bác Hồ nói về phê bình và tự phê bình.

Bác Hồ nói về phê bình và tự phê bình.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.

Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ.

Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Với Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Người. Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp phê bình cho cán bộ, đảng viên noi theo.

Trải qua gần 90 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm qua đã cho thấy rõ điều này. Tự phê bình và phê bình đã góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với vai trò đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc...

Nội dung tự phê bình và phê bình hiện nay tập trung vào 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Kết hợp tự phê bình và phê bình về 19 điều đảng viên không được làm và những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở đơn vị mình.

Tinh thần tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không né tránh, không thêm bớt. Phải biểu dương thành tích, ghi nhận ưu điểm đi đôi với phê bình khuyết điểm. Trong quá trình đó phải nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình công việc chứ không phê bình người.

Vì vậy, để tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình, hiểu rõ mục đích, nội dung, phương pháp và những yêu cầu cơ bản trong tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy cao nhất vai trò tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng. Thực hiện tốt việc nêu gương, phát huy tính tự giác, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Cán bộ ở cương vị càng cao càng đòi hỏi nêu cao tính tự giác, gương mẫu, dũng cảm trong tự phê bình và tiếp thu phê bình. Việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì.

Tự phê bình và phê bình phải gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Sinh hoạt tự phê bình và phê bình phải thể hiện rõ mục tiêu “xây và chống”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, biểu hiện sai trái trong nhận thức chính trị, tư tưởng, chống lợi dụng tự phê bình và phê bình để gây chia rẽ nội bộ, làm suy yếu tổ chức đảng và suy giảm chất lượng cán bộ, đảng viên…

Thực hiện tự phê bình và phê bình phải đúng theo nguyên tắc, quy định trong Điều lệ Đảng, coi kết quả tự phê bình và phê bình là kết quả phấn đấu, rèn luyện của người đảng viên, của đơn vị và tổ chức đảng.

Trong những năm qua, các chi bộ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình trong tổ chức và hoạt động của mình. Theo đó, trong mỗi cuộc sinh hoạt chi bộ đều chỉ ra được những mặt đã làm tốt, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đa số đảng viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình, có ý thức trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, không ngại va chạm, nể nang, né tránh.

Tuy nhiên, công tác phê bình và tự phê bình vẫn còn những hạn chế: Một số đảng viên còn nể nang, ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. Nguyên nhân là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế trong tự phê bình và phê bình trong hoạt động của các chi bộ trên địa bàn tỉnh, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ chi ủy viên và đảng viên về vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong hoạt động của tổ chức đảng nói chung, của chi bộ nói riêng. Đảm bảo mỗi tập thể chi ủy và đội ngũ đảng viên có nhận thức đầy đủ việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ là biện pháp nhằm tăng cường, giáo dục, rèn luyện đảng viên.

Duy trì nền nếp tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Theo đó, trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên có chức vụ (trong Đảng, cơ quan, các đoàn thể) phải thực sự gương mẫu, thẳng thắn tự phê bình và phê bình và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của đảng viên, quần chúng.

Phát huy vai trò của nhân dân tham gia phê bình cán bộ, đảng viên. Đó là, tổ chức đảng thường kỳ lấy ý kiến, nhận xét của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan đối với từng cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị theo những tiêu chí cụ thể phù hợp với nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, tổ chức đảng của cơ quan, đơn vị phải phối hợp với tổ chức đảng nơi cư trú theo Quy định 76 ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về “Đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Quy định số 32 ngày 7/12/2018 của Tỉnh ủy “Về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Hoàng Duyên (Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/ky-niem-74-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9/thuc-hien-tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-dang-theo-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-z83n20190830075222209.htm