Thực phẩm hữu cơ 'khát khao' chờ chứng nhận

Nhiều người tiêu dùng đang lựa chọn thực phẩm hữu cơ với niềm tin về thực phẩm sạch. Tuy nhiên, nghịch lý là chứng nhận hữu cơ do PGS đang cấp lại chưa được pháp luật Việt Nam chứng nhận.

Không được chứng nhận rau hữu cơ, đành gắn mác “rau an toàn”

Anh Hùng (đại diện cửa hàng Bác Tôm tại phố Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chuỗi cửa hàng Bác Tôm hằng ngày bán ra khá nhiều rau hữu cơ, rau an toàn. Tuy nhiên, nhiều khi nguồn cung rau hữu cơ không đủ cầu vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do tại Việt Nam chưa có cơ quan nào chứng nhận thực phẩm hữu cơ.

Rau hữu cơ tại cửa hàng thực phẩm Bác Tôm (Ảnh: Hà Giang)

Thay vào đó, rau hữu cơ được bày bán ở Việt Nam hiện tại đều được chứng nhận bởi PGS (Participatory Guarantee System). PGS là một hệ thống chứng nhận chung trên thế giới được đặt tại các nước có dự án sản xuất hữu cơ. Ở mỗi nước, PGS có quy trình khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế nhưng cơ bản phải được tổ chức Liên đoàn phong trào hữu cơ quốc tế (IFOAM) thông qua.

Ở Việt Nam, PGS được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường sản phẩm nội địa hiện nay.

Tuy nhiên, anh Hùng cũng cho biết, các quy định về sản phẩm hữu cơ của PGS rất khắt khe, như: không thuốc trừ sâu, không thuốc bảo quản, không thuốc kích thích...và còn cả những điều kiện đặt ra rất chặt chẽ đối với đất trồng.

“Có những điều kiện PGS đặt ra cũng chưa thật phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này khiến một số loại rau của chúng tôi dù được trồng trong điều kiện rất tốt tại Lương Sơn (Hòa Bình) nhưng vẫn không được PGS cấp mã rau hữu cơ vì chưa đủ tiêu chuẩn về đất trồng. Vì thế, chúng tôi đành phải “dán tạm mác rau an toàn” đem bán, chấp nhận mức giá thấp hơn”, anh Hùng cho hay.

Anh Hùng mong mỏi, hiện nay, trước nhu cầu rất cao của người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ, rất cần một cơ quan chứng nhận PGS của Việt Nam để nguồn cung sản phẩm hữu cơ được suôn sẻ hơn.

“Tôi đã nhiều lần được cử đi dự các hội thảo về thực phẩm hữu cơ tại Ba Vì, Long Biên (Hà Nội).... Tại đó, nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm hữu cơ đã lên tiếng, thậm chí “khao khát” đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - NN&PTNT) nên có một đơn vị chứng nhận PGS nhưng đến mấy năm nay vẫn chưa đâu vào đâu. Trong khi có những đơn vị họ đã sản xuất rau hữu cơ cả 7-8 năm nay với mức chi phí rất lớn nhưng vẫn bị vướng mắc về chứng nhận khiến họ vô cùng bức xúc.”

Đại diện cửa hàng Bác Tôm cho biết thêm, các sản phẩm có chứng nhận PGS nghĩa là đã được kiểm chứng, đáng tin cậy và khi được bày bán đều được in rõ ràng, nổi bật trên bao bì. Còn những sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ nhưng không có chứng nhận PGS, không có tem dán trên bao bì thì vẫn là hàng “tự phong”, chưa có tiêu chuẩn nào giám sát và chứng nhận.

Hiện một số mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) và Trác Văn (Hà Nam)...đã được cấp chứng nhận PGS. Tiêu chuẩn này hiện được Hội Nông dân Việt Nam kế thừa và được coi như tiêu chuẩn cơ sở của tổ chức phi chính phủ.

Vẫn đang chờ 1 quyết sách từ Bộ NN & PTNT

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cho rằng, hiện nay hai chữ “hữu cơ” đang bị nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh thiếu uy tín trục lợi, sẵn sàng mạo nhận sản phẩm hữu cơ để bán giá cao cho khách hàng. Do vậy, Nhà nước rất cần có biện pháp chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bà cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại những đơn vị, cửa hàng có uy tín, có tên trong danh sách công bố của cơ quan quản lý nhà nước.

Về vấn đề này, ông Hà Quốc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết: “Hiệp hội đã đề nghị với Bộ NN & PTNT xem xét và cho phép chứng nhận thực phẩm hữu cơ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ và khách hàng. Nhưng hiện tại, vấn đề đó còn đang được tính toán chứ chưa có quyết sách nào.”

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cũng từng cho rằng, Việt Nam cần có biện pháp quy hoạch, phát triển lâu dài đối với thực phẩm hữu cơ.

“Để làm được điều này, Nhà nước cần làm rõ tiêu chuẩn và biện pháp quản lý. Thực tế, tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 được chuyển đổi từ tiêu chuẩn nước ngoài, nên một số tiêu chí chưa rõ ràng, cần được rà soát, bổ sung, hoàn thiện hơn. Đồng thời, cần có quy chế quản lý hoạt động của các tổ chức chứng nhận hợp chuẩn để nâng cao chất lượng chứng nhận. Về quản lý, trên cơ sở các luật đã có, Bộ NN-PTNT cần ban hành thông tư hướng dẫn quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ”./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/thuc-pham-huu-co-khat-khao-cho-chung-nhan-210225.html