Thực thi EVFTA: 'Bệ phóng' cho thủy sản cất cánh vào EU

Từ khi chính thức có hiệu lực cho đến nay, Hiệp định EVFTA với những ưu đãi thuế quan đã tạo ra bệ phóng cho thủy sản Việt Nam tiến sâu và chiếm lĩnh thị phần tại thị trường châu Âu.

Thị trường EU chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta. Ảnh: TL

Thị trường EU chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta. Ảnh: TL

Nhiều sản phẩm thế mạnh “sáng cửa” vào EU

Theo Hiệp định EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%; trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22% được về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực lập tức ngành thủy sản đón nhận nhiều tin vui như xuất khẩu thủy sản sang EU trong tháng 8 đạt mức tăng trưởng tới 10% về đơn hàng so với tháng trước đó. Các lô hàng nông, thủy sản đầu tiên đã chính thức sang EU.

Cụ thể, tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm sang EU có mức thuế là 12-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh, còn một số sau 5-7 năm sẽ được điều chỉnh về 0%. Giữa tháng 8 vừa qua, tôm - một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đã có những lô hàng đầu tiên sang Hà Lan - thị trường “cửa ngõ” EU. Đây là bước đi đầu tiên làm nền tảng để tôm Việt vững bước tấn công chiếm lĩnh các thị trường khác của châu Âu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhờ EVFTA sau hơn hai năm sụt giảm do quyết định rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam của Ủy ban Châu Âu và không còn được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7, và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.

Thêm vào đó, nhiều mặt hàng cá tra có mức thuế theo cam kết giảm xuống còn 0%, như các sản phẩm cá tra chế biến được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm sẽ là nền tảng để tăng trưởng xuất khẩu sang EU trong các tháng cuối năm 2020.

Đặc biệt, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công thương) vừa có thông báo, Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Arab Saudi (SFDA) cho phép 12 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường này. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Nỗ lực vượt qua thách thức mới

Trên thực tế, để chuẩn bị sẵn sàng bước vào “sân chơi” EVFTA, các DN thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics...nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trong Hiệp định EVFTA. Nhất là việc nâng cao chất lượng hàng thủy sản, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đổi mới công nghệ chế biến...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, bên cạnh những cơ hội mở ra thì Hiệp định EVFTA cũng mang đến không ít thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Đơn cử, các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn…có nhiều quy định mới và phức tạp hơn. Do đó, để xuất khẩu bền vững, DN thủy sản cần phải chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hay nhập của các đối tác FTA; cần lưu ý đến việc cấm sử dụng chất chống ôxi hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản, đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. “Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, DN cũng cần chú trọng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường hay các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) lưu ý đối với DN thủy sản.

Ở khía cạnh khác, theo ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay, thủy sản nước ta xuất khẩu vào EU chủ yếu vẫn là hàng thô, sơ chế, những mặt hàng chế biến sâu và hàng giá trị gia tăng còn ít…đó chính là rào cản khiến DN chưa vận dụng tốt những ưu đãi về thuế quan mà các FTA đem lại. “Các DN cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị như áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời phải chủ động bám sát, trao đổi với DN đối tác phía EU để xác định lượng hạn ngạch mà đối tác được cấp”, ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành thúc đẩy SFDA bổ sung thêm các DN Việt Nam khác được phép xuất khẩu thủy sản trở lại vào thị trường này, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Vì vậy, các DN xuất khẩu thủy sản cần lưu ý rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường nuôi trồng, sản xuất, tránh để ảnh hưởng đến quá trình đánh giá hồ sơ của SFDA đối với các DN khác./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-20/thuc-thi-evfta-be-phong-cho-thuy-san-cat-canh-vao-eu-92477.aspx