'Thực trạng xuất nhập khẩu và chuyển dịch FDI trong ngành gỗ'

Đây là chủ đề chính của hội thảo do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và tổ chức Forest Trend phối hợp tổ chức sáng 8-11, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch VIFOREST, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có mức độ tăng trưởng khá ổn định, cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 7,3 tỷ USD, tương đương 86% kim ngạch cả năm 2018. Với đà tăng trưởng này ngành gỗ Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 11 tỉ USD.

 Đại biểu đến từ các hiệp hội gỗ tham gia trao đổi tại hội thảo.

Đại biểu đến từ các hiệp hội gỗ tham gia trao đổi tại hội thảo.

Ông Quyền nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt hướng tới các nước như Mỹ và EU bởi đây là các quốc gia có thị phần và tiềm lực lớn, có thể hỗ trợ Việt Nam rất nhiều về công nghệ và kỹ năng quản lý”.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ Việt Nam, tính đến hết tháng 9 năm 2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD. Các dự án tập trung vào mảng chế biến gỗ và phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ và British Virgin Island. Số vốn tăng trong 9 tháng đầu năm đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.

Những kết quả trên cho thấy FDI có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề gian lận thương mại dưới hình thức đầu tư chui và đầu tư núp bóng.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo tiền đề cho ngành gỗ phát triển bền vững. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư FDI, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần thực hiện rà soát nghiêm ngặt trên cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm: Đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong quá trình đó, các hiệp hội gỗ địa phương sẽ là kênh thông tin hữu hiệu giúp Chính phủ nắm được tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, từ đó hình thành các “bộ lọc” trong kiểm soát đầu tư FDI.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa.

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-trang-xuat-nhap-khau-va-chuyen-dich-fdi-trong-nganh-go-599418