Thuế, phí ô tô cao hay thấp?

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có thuế, phí trên mỗi chiếc xe bán ra cao nhất nhì khu vực. Đã có nhiều kiến nghị điều chỉnh một số loại thuế, phí nhằm giảm giá xe, mở rộng quy mô thị trường.

Thuế, phí cao thứ hai khu vực

Hiện nay, trong khu vực ASEAN chính sách thuế, phí với ô tô ở các nước khác nhau, tạo ra sự chênh lệch giá bán ô tô.

Theo chuyên gia, thuế và phí trên mỗi ô tô tại Việt Nam chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá bán.

Theo chuyên gia, thuế và phí trên mỗi ô tô tại Việt Nam chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá bán.

Ví dụ như tại Thái Lan, nơi lắp ráp mẫu Toyota Corolla Altis, bản máy xăng cao cấp nhất có giá bán 979.000 bath (khoảng 740 triệu đồng). Trong khi đó tại Singapore, mẫu xe này có giá lên tới 103.988 SGD (hơn 2 tỷ đồng). Còn tại Việt Nam, Corolla Altis bản máy xăng cao nhất nhập khẩu từ Thái Lan hiện có giá bán 780 triệu đồng.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cần bảo đảm hài hòa các yếu tố thu ngân sách Nhà nước, môi trường, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, định hướng tiêu dùng…

Vì vậy, khi đưa ra phương án tính thuế mới đối với mặt hàng ô tô, cần tính toán phương án phù hợp để bảo đảm các yếu tố nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bộ Công thương từng đánh giá, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao.

Ông Vũ Tấn Công, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty TNHH Tư vấn Công nghiệp và Thương mại ô tô Việt Nam cho biết, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trước khi lăn bánh phải chịu nhiều loại thuế và phí: Thuế nhập khẩu (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô từ 9 chỗ trở xuống động cơ đốt trong từ 35-150%, còn xe điện là 3%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ (10-12%), phí đăng ký, phí đăng kiểm, bảo trì đường bộ và các loại phí bảo hiểm.

Còn với ô tô lắp ráp trong nước, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, bên cạnh các loại phí để lăn bánh với ô tô nói chung, sẽ gồm có thuế nhập khẩu linh kiện, lắp được thành xe thì chịu tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

"Trước đây, có một hiệp hội ô tô ở Mỹ đã chia sẻ một báo cáo giá xe, tính ra tỷ lệ thuế trên tổng giá xe của Việt Nam đang nằm ở top đầu khu vực, trên cả Thái Lan và Indonesia, chỉ dưới Singapore.

Thái Lan cũng tính các loại thuế, phí với ô tô nhưng tỉ trọng thuế phí trên tổng giá bán ra hiện chỉ đang chiếm khoảng 30%. Riêng phân khúc xe hạng B tại Việt Nam, các loại thuế có thể chiếm từ 40-45%, thậm chí đến một nửa tổng giá bán ra tùy loại. Điều này có lợi đối với ngân sách, đặc biệt những địa phương có nhà máy, cảng biển nơi nhập xe… nhưng lại khiến giá xe tăng cao, hạn chế bớt tiềm năng tăng trưởng của thị trường", ông Hiếu nhận định.

Giảm thuế, phí để mở rộng thị trường

Ông Hiếu cũng cho hay, để gia tăng quy mô thị trường, tại văn bản góp ý dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô mới nhất, VAMA đề xuất để gia tăng quy mô thị trường, cần đánh giá, cải cách hệ thống thuế phí liên quan đến ô tô như: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ... bên cạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô và các giải pháp tài chính hỗ trợ cho vay, sở hữu xe.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất cần có ưu đãi với dòng xe hybrid để kích thíchtiêu dùng loại phương tiện phát thải thấp này.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất cần có ưu đãi với dòng xe hybrid để kích thíchtiêu dùng loại phương tiện phát thải thấp này.

"Cụ thể hơn, có thể không tính thuế kiểu chồng thuế như hiện nay. Ví dụ một chiếc ô tô nhập khẩu, khi về cảng đầu tiên sẽ chịu thuế nhập khẩu. Sau đó, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tính trên giá về cảng cộng với thuế nhập khẩu.

Thuế giá trị gia tăng cũng tính trên giá sau khi cộng các loại thuế. Đó là chưa kể doanh nghiệp còn phải tính thêm các chi phí bán hàng, lợi nhuận mới ra giá bán tới tay khách hàng.

Nếu chọn phát triển thị trường ô tô thì việc cần làm là gia tăng quy mô thị trường, từ đó sẽ kéo theo công nghiệp phụ trợ, rồi hạ tầng giao thông phát triển, thu hút đầu tư", ông Hiếu lý giải và cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội cũng kiến nghị cần có thêm các ưu đãi thuế cho những dòng xe thân thiện môi trường, đặc biệt ô tô hybrid.

Đề xuất xây dựng chính sách

Tại dự thảo mới nhất về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công thương đề xuất nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe HEV (Hybrid-xe xăng lai điện), PHEV (Plug-in Hybrid - xe hybrid sạc điện) và BEV (xe thuần điện chạy hoàn toàn bằng pin) để phát triển thị trường.

Bởi theo dự thảo, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam, tỷ lệ xe điện và xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18-22%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ các loại xe này chiếm khoảng 80-85 %, tương đương hơn 4 triệu chiếc.

Trong báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của các đề xuất thay đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô do Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG phối hợp với VAMA thực hiện đã kiến nghị, ưu đãi giảm thuế với xe thân thiện môi trường như xe PHEV, xe HEV, bên cạnh các ưu đãi với xe thuần điện (BEV). Đề xuất ưu đãi cho xe HEV áp dụng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện nay là 100%) và xe PHEV áp dụng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).

Đại diện một hãng xe tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh xe thuần điện, ưu đãi thuế, phí cho xe hybrid có thể giúp thúc đẩy thói quen mua sắm của người dùng từ xe xăng, dầu truyền thống sang các loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, giảm khí thải ra môi trường.

Giảm thu ngân sách nhưng lợi nhiều mặt khác

KPMG và VAMA đánh giá, xe hybrid tác động tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2... Phát triển các dòng xe này cũng khuyến khích, tăng đầu tư, nghiên cứu công nghệ hybrid, hạ tầng trạm sạc, phát triển nguồn nhân lực, chuỗi giá trị.

Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng như đề xuất, tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 sẽ giảm khoảng 23.500 tỷ đồng, song lợi ích từ giảm phát thải CO2 và tiết kiệm nhiên liệu có giá trị cao hơn, tổng lợi ích về kinh tế mang lại cho xã hội là hơn 3.600 tỷ đồng.

Còn theo ông Vũ Tấn Công, cần xây dựng lộ trình cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế GTGT và phí trước bạ theo tỷ lệ nội địa hóa trong nước (tính theo giá trị). Nếu xe ô tô có tỷ lệ nội địa hóa trong nước từ 40% trở lên, thì các loại thuế phí kể trên sẽ là 0%.

Điều này sẽ khuyến khích ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Với tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước thuộc Hiệp định Thương mại tư do ATIGA, RCEP và CPTPP sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/thue-phi-o-to-cao-hay-thap-192241024233827427.htm