Thùng rác công nghệ: Chỗ làm quán nước, nơi đặt cho có
Từ tháng 3/2021, Hà Nội đưa vào lắp thí điểm 11.000 thùng rác công nghệ trên một số tuyến phố như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Xã Đàn, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt…Đây là giải pháp tạo thói quen cho người dân giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, vứt bỏ rác đúng quy định.
Được thí điểm và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, hệ thống thùng rác công nghệ được kỳ vọng là một giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phân loại rác thải, từ đó tăng cường tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Có 2 loại thùng rác công nghệ được đưa vào lắp đặt thử nghiệm. Loại thứ nhất có kích thước nhỏ gọn. Phần bảng quảng cáo và hộp đèn nằm sát gần khay chứa rác hơn. Loại thứ hai được thiết kế thêm phần cột chống ngăn cách giữa biển quảng cáo và khay chứa rác. Loại thùng này có tổng chiều cao cao hơn loại thùng thứ nhất.
Sau khi lắp đặt tại một số tuyến phố, thùng rác công nghệ được đánh giá khá cao về bài toán rác thải công cộng. “Công nhân quét rác như chúng tôi cũng bớt vất vả hơn. Như trước đây, mỗi ca trực phải quét vài kilomét đường, vỉa hè. Nhưng khi có thùng rác, những người có ý thức sẽ bỏ rác vào thùng, chúng tôi chỉ việc gom các thùng lại” - chị Vũ Thị Trúc, công nhân vệ sinh môi trường phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, sau 2 năm, mặc dù được đánh giá là mô hình hiện đại, mang đến sự thuận tiện và hữu ích, nhưng tại một số vị trí, thùng rác công nghệ chỉ được đặt cho có; nhiều thùng rác công nghệ đã xuống cấp và chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Trên các tuyến phố, chỗ thì thùng rác bị chiếm làm nơi bán hàng, có chỗ trở thành bãi chứa rác cho những hộ gia đình gần đó.
Chị Thu Phương - chủ một hiệu sách trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Trước đây thấy có thùng rác, những người đi bộ trên vỉa hè rất thuận tiện để họ bỏ khẩu trang, túi ni lông hoạc vật phẩm gì đó. Nhưng chẳng hiểu sao chừng 3 tháng nay thùng rác không còn, chỉ còn mỗi biển quảng cáo và tấm pin năng lượng để thắp sáng về đêm”.
Chị Phương cho biết thêm, tuy tiện ích, nhưng những người dân quanh khu vực có thùng rác đã biến chúng thành khu vực của mình chứ không phải để phục vụ công cộng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) thì đưa hệ thống thùng rác công nghệ vào những nơi công cộng là khá tốt, vừa nâng cao ý thức xả rác thải ra đường và tôn thêm vẻ đẹp của Thủ đô. “Ngay trước nhà con trai tôi cũng được lắp đặt một thùng rác. Tuy nhiên, người đi lại bỏ rác thì ít, người dân xung quanh đổ rác nhà mình ra thì nhiều. Có hôm một quán ăn gần đó bỏ cả túi vỏ cua, vỏ tôm, cá…khiến những nhà sống gần đó khốn khổ” - ông Tiến bức xúc cho hay.
Cũng theo ông Tiến, ngoài nâng cao ý thức của dân khi sinh hoạt ở nơi công cộng ra thì cần phải có một chế tài xử lý nào đó đối với những người dân sống xung quanh thùng rác công nghệ “Họ mang cả xô rác thải của gia đình ra để đổ vào thùng rác công nghệ thì thùng nào chứa cho hết. Có người thấy thùng đầy thì họ vất bừa ngay ra ngoài. Thế thì nghiễm nhiên thùng rác trở thành nơi chứa rác mất rồi” - ông Tiến phân tích thêm.
Liên quan đến vấn đề thùng rác thải công nghệ, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển Công nghệ cộng đồng. Theo bà An, để thùng rác công nghệ là bài toán rất tốt cho câu chuyện về rác thải hiện tại ở Hà Nội, tuy nhiên, bước đầu chúng ta cần tạo cho người dân một thói quen, tự giác.
“Nút khó ở đây vẫn là vấn đề ý thức. Để giải quyết nút thắt này, ngoài việc cần tuyên truyền mạnh hơn nữa, còn cần tạo điều kiện để người dân thực hiện ý thức đó. Có nhiều khi, ý thức đã thông rồi, đã hiểu rồi, nhưng không có điều kiện thực hiện, ý thức ấy lại bị quên, bị mất đi. Ngoài ra, đối với nhà quản lý, cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện cho đúng”.
Cũng theo bà An, song song với việc kiểm tra hướng dẫn cho người dân nên kết hợp với Tổ dân phố, xóm, ngõ, tổ tự quản để phát huy và bảo vệ những thùng rác công nghệ này.
Thùng rác công nghệ, hay còn gọi là thùng rác gắn pin năng lượng mặt trời, có sức chứa lên tới 240 lít, được thiết kế thông minh với 2 ngăn riêng biệt, một bên đựng rác tái chế và một bên đựng rác không tái chế. Điểm nhấn của mô hình đó là giúp phân loại rác thải và sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện làm phát sáng bảng quảng cáo được lắp phía trên thùng rác khi trời tối.