Thuốc dạng hít của Israel hiệu quả cao với bệnh nhân COVID-19 thể nặng

Các nhân viên ở Trung tâm Y tế Ichilov.Nguồn: Times of Israel

Israel đang tiến hành thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24 do Trung tâm Y tế Ichilov của Tel Aviv phát triển nhằm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Kết quả thử nghiệm ở 88 bệnh nhân nặng cho thấy không một bệnh nhân nào phải thở máy.

Theo Times of Israel, thử nghiệm cũng được thực hiện tại Hy Lạp với 10 bệnh nhân ở tình trạng bệnh vừa và nặng, trong đó có người 85 tuổi. Trong vòng 5 ngày điều trị, đã có 9 người được xuất viện.

Thông thường, các bệnh nhân COVID-19 thể vừa và nặng đều có nguy cơ phải nằm viện lâu và đặt nội khí quản. Tuy nhiên, với loại thuốc này, không có bệnh nhân nào cần tới phương pháp này và không có ca tử vong.

Giáo sư Nadir Arber, người sáng chế ra thuốc, cho biết các bác sĩ đã ghi nhận phản hồi tốt của bệnh nhân được điều trị bằng EXO-CD24. Kết quả này là rất đáng khích lệ và củng cố hy vọng của giới chuyên gia rằng loại thuốc này có thể thay đổi đường cong dịch tễ.

Thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách sử dụng phân tử CD24 mà Giáo sư Arber dành 25 năm nghiên cứu với hy vọng sẽ giúp ích cho bệnh nhân ung thư. Ông nhận định ưu thế lớn nhất của thuốc EXO-CD24 so với steroid, hiện thường được dùng cho bệnh nhân COVID-19, là không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ miễn dịch. Loại thuốc mới của Israel có cách tiếp cận chính xác vào mục tiêu.

Giáo sư Arber nói: “Thuốc không làm thay đổi hệ miễn dịch mà khôi phục về trạng thái bình thường bằng cách kiểm soát yếu tố gây ra cơn bão cytokine - phản ứng quá mức của hệ miễn dịch thường khiến bệnh nhân trở nặng”.

Khi bệnh nhân dùng thuốc, protein có tên CD24 sẽ được đưa đến phổi, giúp làm dịu hệ miễn dịch và kiềm chế cơn bão cytokine.

Thông tin tích cực về thuốc EXO-CD24 được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước kém phát triển khó tiếp cận vắc xin phòng COVID-19. Giáo sư Arber tin rằng loại thuốc này có thể mang lại hy vọng đáng kể cho các nước nghèo ở châu Phi và nhiều nơi khác.

Theo ông, thuốc EXO-CD24 có thể được sản xuất đại trà với chi phí thấp. Đây có thể là một phần chiến lược chống COVID-19 cho các quốc gia hiện không có đủ khả năng tiêm chủng.

Trong diễn biến khác, một nghiên cứu mới đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã chỉ ra rằng những người không được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn gấp hai lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.

Nghiên cứu được thực hiện đối với 246 người trưởng thành ở bang Kentucky (đông nam nước Mỹ) đã bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, sau khi đã bị mắc COVID-19 vào năm 2020. Những người này được so sánh với 492 người thuộc nhóm đối chứng là những người có độ tương đồng về giới tính, tuổi tác và thời gian xét nghiệm dương tính ban đầu.

Kết quả cho thấy những người không được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gấp đôi, thậm chí là 3-4 lần, so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, với các loại vắc xin Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Đáng lưu ý, nghiên cứu này được thực hiện trước khi biến thể siêu lây nhiễm Delta trở thành “chủng thống trị” tại Mỹ.

CDC Mỹ nêu rõ phát hiện trên một lần nữa củng cố khuyến nghị rằng tất cả mọi người đều nên tiêm vắc xin, ngay cả khi họ đã từng mắc COVID-19. Nghiên cứu mới nói trên đã bác bỏ quan điểm của một số chính trị gia tại Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Rand Paul, vốn cho rằng họ không cần tiêm vắc xin ngừa COVID-19, do trong cơ thể đã có khả năng miễn dịch tự nhiên vì từng mắc căn bệnh này.

Trước đó, ngày 6/8, nhật báo The Washington Post đưa tin chính quyền các bang và doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ đang bắt đầu thay đổi chiến lược từ “củ cà rốt” sang “cây gậy” nhằm thúc đẩy việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này duy trì trên 100.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua và số ca tử vong trong ngày vượt 400 ca.

Theo tờ báo trên, nhiều bang và thành phố trước đó từng khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin bằng nhiều cách như tặng bia, tặng học bổng, mở xổ số hàng triệu USD, nhưng nay đang gia tăng các yêu cầu hoặc cảnh báo hậu quả do không tiêm vắc xin.

Hiện chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc giảm nguồn quỹ liên bang cấp cho nhiều thể chế bao gồm cả các cơ quan, viện dưỡng lão, đại học để bắt buộc nhân viên của những thể chế này tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nếu được thông qua, quyết định này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược chống COVID-19 tại Mỹ.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/262277/thuoc-dang-hit-cua-israel-hieu-qua-cao-voi-benh-nhan-covid-19-the-nang.html