Thuốc là hàng hóa đặc biệt, nên giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc

Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) quan tâm đến các quy định về quản lý giá thuốc. Theo đó, tại Điều 2 của dự thảo Luật nêu khái niệm về "Giá bán buôn thuốc dự kiến", đây cũng là khái niệm để quản lý giá thuốc.

Đại biểu cho biết, qua báo cáo Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc quy định. Theo bà Hà, quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

“Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp, và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân, và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà phân tích.

Theo nữ đại biểu, quy định tại Điều 107 đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc, chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.

“Vậy câu hỏi đặt ra là đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Tôi cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.

Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá”.

Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá, sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh, thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.

“Với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.

Trong khi đó, ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, theo quy định thì mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật Giá.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. Và chưa thực hiện kê khai giá với các cơ sở bán lẻ thuốc, vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri rất mong muốn và hy vọng giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo các quy định của Luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo Luật Dược sửa đổi hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá.

“Tôi trân trọng đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định, những biện pháp quản lý giá phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Quốc hội

Giá thuốc phải quản lý rất đặc thù

Cùng quan tâm đến quản lý giá thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…

Đại biểu cũng cho biết, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn (khoảng 22.000 thuốc). Như vậy sẽ có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít.

Do vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới.

Cho rằng thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, không ai đi mặc cả giá thuốc như khi đi mua các loại hàng hóa khác. Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị, giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù chứ không chỉ tuân theo Luật Giá...

Điều 109 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế:

Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc có các nhiệm vụ sau đây:

1. Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giá thuốc.

2. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý nhà nước về giá thuốc.

3. Chủ trì tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giá thuốc.

4. Triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá.

5. Tổ chức tiếp nhận, rà soát thông tin thuốc tại hồ sơ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến và công khai giá bán buôn thuốc dự kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ.

Công khai các kiến nghị của Bộ Y tế về giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Luật này.

6. Kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm pháp luật về giá thuốc.”

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuoc-la-hang-hoa-dac-biet-nen-gia-thuoc-cung-phai-quan-ly-rat-dac-thu-179466.html