Thương con của vợ

Tôi rất kính trọng dượng và tôi có thể làm tất cả để báo hiếu công ơn nuôi dưỡng của ông, người thương con của vợ như chính con mình.

Bố dượng ở Việt Nam gọi điện hỏi thăm, dạo này giọng bố già hẳn nhưng những câu nói yêu thương như ngày xưa vẫn không thay đổi: "Tết này con có về không?". Tôi tinh quái bảo: "Chắc là con không về, đến hè con về chơi với bố", còn vài tháng nữa mới Tết, tôi muốn tạo cho ông bất ngờ. Nhưng ông lại bảo: "Học gì mà học cả năm không nghỉ". Rồi lần nào dượng cũng không quên dặn: "Con đừng gửi tiền về, bố không thiếu tiền, để dành tiền mà phòng thân".

Tôi cố ngước lên để nước mắt khỏi rơi xuống. Bố không sinh ra tôi nhưng ông có công dưỡng dục. Ngày bố cưới mẹ, bố hứa sẽ xem tôi như con ruột. Tôi lớn lên, viết thành những con chữ từ những cơ cực của bố. Những buổi nắng mưa, mệt nhọc ông vẫn cố đi làm vì cơm áo gạo tiền nuôi tôi. Tôi còn nhớ mỗi bận đến Tết, bố lo dẫn tôi đi sắm đồ Tết, cũng tính toán đủ thứ mới mua cho tôi được bộ đồ, nhưng tôi lại thích thêm đôi giày, bố tranh thủ làm thêm để ngày 30 Tết đem về cho tôi đôi giày như mong đợi. Nhiều hôm bố gắng làm để kiếm thêm tiền, đến nỗi bước chân đi chệnh choạng về nhà.

Bố thèm thuốc hút nhưng rất ít khi hút, để dành tiền mua đồ ăn cho tôi. Mỗi lần có tiền là bố dẫn tôi ra quán tạp hóa bảo con thích gì thì lấy đi.

Lần trước về thăm, đứng nhìn bóng bố đón tôi ở sân bay, rực cái nắng chói chang thấy bóng bố ngả xuống, già nua. Lòng xót xa, khi thấy bố mặc lại chiếc áo cũ của tôi, một trong vô số chiếc áo mà tôi đã mua nhưng chỉ diện vài lần. Tôi thấy bố mặc lại áo cũ thì chạnh lòng. Như biết được ý tôi, bố ôm chặt lấy tôi rồi bảo: Không phải bố tiếc hay tiết kiệm quá, vì quần áo bây giờ sẵn, lại rẻ, nhưng cảm giác khi mặc lại đồ của con rất thân thương, nó giống như vòng tay của con đang ôm lấy bố. Bố như thấy con ở quanh. Bố nói vậy, tim tôi như tan chảy.

Ngày tôi còn nhỏ, bố hay làm ngựa cho tôi cưỡi, cho tôi đi công viên chơi hoặc ăn kem. Khi tôi đã lớn hơn thì có bố tập xe đạp, mùa hè tập bơi cho mặc dù bố rất bận rộn. Tuy tôi biết đi xe đạp nhưng ngày nào cũng được bố chở đi học bằng xe máy. Mỗi khi có chuyện gì không vui, bị bạn bè bắt nạt hoặc chơi xấu, tôi ít khi mách mẹ mà chỉ mách với bố vì bố đều lắng nghe tôi nói và giải quyết được mọi vấn đề giúp tôi.

Những khi tôi ốm, bố là người đưa tôi đi bệnh viện, bỏ cả công việc để túc trực cho đến khi tôi hết bệnh. Cứ thế, tôi lớn dần lên và bên cạnh tôi lúc nào cũng có bố. Nhiều khi, nghe lũ bạn trong lớp than phiền về các ông bố, ông thì lười, ông thì nóng tính hay quát mắng, ông thì say xỉn hay đánh đập vợ con. Còn tôi thì chả bao giờ bị bố đánh mắng cả. Nhà tôi yên ả, bình lặng và tôi nhìn thấy tia nắng hạnh phúc trong mắt bố mẹ. Tôi luôn cố gắng làm một đứa con ngoan học giỏi để xứng đáng là con yêu của bố.

Một dịp tình cờ, tôi được biết mình còn có bố đẻ. Lúc mẹ mang thai tôi thì bố theo gia đình sang nước ngoài định cư, mẹ chưa hề có một đám cưới với bố. Sau khi sinh tôi, mẹ làm đám cưới với dượng bây giờ. Tôi mang họ của dượng. Bố rất thương tôi cho dù rất nhiều người bảo ông đừng dại mà "nuôi con tu hú". Bố mặc kệ, mãi sau này khi tôi hiểu chuyện, ông còn khuyên tôi đừng để ý tới lời ác ý. Mẹ nhiều khi cũng xung đột cãi vả với nhà chồng vì con riêng, nhưng vì sợ tôi thiếu thốn tình thương nên bố dượng bao giờ cũng xuống nước giải hòa, để mẹ con tôi không phải bận lòng vì những mặc cảm.

Chuyện không đáng nói nếu bố đẻ của tôi không ly dị vợ. Ông quay về Việt Nam tìm mẹ con tôi. Điều lạ là bố dượng không vì ghen tuông, ích kỷ mà cấm tôi gặp bố đẻ, thậm chí ông còn bảo tôi cho ông ấy cơ hội nhận con. Rồi bố đẻ muốn bảo lãnh tôi sang nước ngoài định cư. Tôi giận lắm, một ông bố đã bỏ rơi tôi để có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn. Một ông bố mà tôi chưa hề thấy mặt của cả tuổi thơ... thử hỏi có được tha thứ?

Nhưng rồi, dượng bảo tôi: Tôi cần phải có tương lai tương sáng, vậy thì sang nước ngoài định cư là tốt hơn cả. Tôi rất kính trọng dượng và tôi có thể làm tất cả để báo hiếu công ơn nuôi dưỡng của ông. Tôi thầm hứa, tôi đi để có điều kiện trở về chăm sóc mẹ và bố dượng được tốt hơn. Tôi luôn nghĩ, cảm ơn ông - người luôn thương con của vợ.

THU HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thuong-con-cua-vo-396237.html