Thượng đỉnh EU-Tây Balkan: Tia hy vọng le lói giữa thất vọng tràn trề

Đại dịch COVID-19 đã buộc hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan tại Zagreb hôm thứ tư (6/5) phải diễn ra trực tuyến.

Croatia kỳ vọng, thượng đỉnh Zagreb sẽ là một bước ngoặt trong tiến trình mở rộng của EU, đồng thời mở ra khả năng gia nhập khối cho các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên đáng tiếc là, hội nghị video trực tuyến thậm chí còn không đề cập tới viễn cảnh mở rộng của EU.

Theo tờ báo Croatia Jutarnji List, dự thảo Tuyên bố chung Zagreb không có phần nào nói về "mở rộng", "thành viên" hoặc "hòa hợp EU". Thay vào đó, tuyên bố chỉ có một câu khá mơ hồ về "triển vọng châu Âu" và thắt chặt các mối quan hệ.

Ông Milan Igrutinovic từ Viện Nghiên cứu châu Âu tin rằng, các thuật ngữ sử dụng trong Tuyên bố chung Zagreb báo hiệu một tương lai không chắc chắn đang chờ đợi các quốc gia ứng cử viên cũng như sự vắng mặt của các nghĩa vụ chính thức của EU dành cho họ.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan Zagreb diễn ra theo hình thức video trực tuyến (ảnh: sputnik)

Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan Zagreb diễn ra theo hình thức video trực tuyến (ảnh: sputnik)

"Hai tháng trước, EU đã bật đèn xanh để bắt đầu thương lượng với Albania và Bắc Macedonia nhưng lại không đưa ra một thời hạn cụ thể. Tôi nghĩ lập trường nội bộ của họ là, trong thời điểm hiện tại điều này đủ để coi là các bước đi chính thức cho quá trình gia nhập của bất kỳ quốc gia Tây Balkan nào, bao gồm cả Serbia", ông Igrutinovic nhận định. "Vì vậy, theo tôi, hội nghị thượng đỉnh [Zagreb] gần như chắc chắn không mang nhiều ý nghĩa lớn bởi vì năm ngoái, Pháp đã đưa ra khẳng định khá rõ ràng là, chính sách mở rộng sẽ bị tạm dừng trong một thời gian dài".

Chuyên gia người Serbia cũng chỉ ra, các nước EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề mở rộng. Mặc dù hầu hết các thành viên đều quan tâm và không có khó khăn gì với vấn đề đó, một số chính phủ lại coi đây là một "chủ đề nội bộ" không cấp thiết bởi vì người dân của họ đang bày tỏ sự phân vân trước ý tưởng cung cấp tiền "cho các nước Balkan nghèo".

Mặt khác, theo ông Igrutinovic, có những nước cho rằng, EU cần phải nỗ lực nhiều hơn về việc các nước chấp nhận các nước Tây Balkan trở thành thành viên, nếu khối muốn thể hiện mình như một yếu tố địa chính trị quan trọng.

"Chúng ta, ở một mức độ nào đó, đang là nạn nhân cho tình thế tiến thoái lưỡng nan nội bộ, cho các trò chơi và sự tráo bài chính trị. Đầu tiên, chúng ta có 'Brexit' vào tháng 1 và giờ đây một chủ đề hoàn toàn mới đã gạt mọi thứ sang bên, bao gồm cả cải cách EU – vốn có thể ảnh hưởng tới chúng ta ít nhiều", ông Igrutinovic đề cập tới đại dịch COVID-19.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế khó tránh khỏi kéo theo sau đó, đã che phủ nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có cả chính sách mở rộng của EU.

Trái với mong đợi, vấn đề mở rộng EU không được đề cập tới tại thượng đỉnh Zagreb (ảnh: Sputnik)

Trái với mong đợi, vấn đề mở rộng EU không được đề cập tới tại thượng đỉnh Zagreb (ảnh: Sputnik)

Đại dịch đã thay đổi mọi thứ

Bà Suzana Grubjesic từ Trung tâm Chính sách Đối ngoại nói, thượng đỉnh Zagreb đánh dấu 20 năm diễn ra thượng đỉnh EU-Zagreb (11/2000) – thời điểm Cộng hòa Liên bang Nam Tư được bao gồm trong tiến trình ổn định và liên hợp. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ như thể thức, ý nghĩa và kỳ vọng của thượng đỉnh.

"Sự thực là dự thảo tuyên bố chung không đề cập tới mở rộng nhưng mặt khác, những hỗ trợ tài chính lớn đã được cung cấp cho các nước Tây Balkans trị giá lên tới 3,3 tỷ euro", bà Suzana phân tích. "Một kế hoạch kinh tế và đầu tư lớn của EU cho Tây Balkan vào mùa thu cũng đã được công bố. Và đây là tin tức tích cực". Đáng lưu ý, tại thượng đỉnh Sofia 2018, vấn đề mở rộng cũng không được đưa ra thảo luận.

Theo bà Suzana, quyết định của EU bắt đầu đàm phán với Bắc Macedonia và Albania là một tín hiệu tốt; và đối với Serbia và Montenegro, có một phương pháp luận cho thỏa thuận và sẽ giúp đẩy nhanh quá trình diễn biến.

"Đây đều là các tín hiệu tích cực, tuy nhiên về phần EU, bước đi chủ chốt sẽ vẫn là thông qua một văn kiện nào đó nói rằng, các nước Tây Balkan sẽ gia nhập theo một mốc thời gian cụ thể", bà nói. "Rõ ràng, chính sách mở rộng vào năm 2018, trong đó đề cập năm 2025 là thời gian dự kiến để Serbia và Montenegro gia nhập EU, đang ngày càng trở nên xa vời bởi vì chính các nước thành viên EU, chứ không phải là Ủy ban châu Âu sẽ có quyết định về vấn đề mở rộng".

Tuy nhiên, bà Grubjesic không cho rằng, các nước Tây Balkan nên thất vọng về thượng đỉnh Zagreb. Mặc dù dịch bệnh lây lan toàn cầu nhưng hội nghị vẫn diễn ra và EU đã tìm ra cách hỗ trợ các nước Tây Balkan vượt qua đại dịch, cũng như đối phó với các hậu quả của nó.

Còn theo ông Igrutinovic, không cần trông đợi gì từ thượng đỉnh Zagreb bởi nó được tổ chức theo thể thức EU+6 (Serbia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Albania và Kosovo) với sự tham gia của cộng hòa tự xưng Kosovo - vốn không thể gia nhập EU một cách chính thức.

"Câu hỏi là làm sao họ có thể đưa ra chủ đề mở rộng và chính thức khởi động đàm phán với Albania và Macedonia, khi mà Kosovo không thể gia nhập vì vị thế của mình và bởi vì 5 nước thành viên EU (Cyprus, Hy Lạp, Slovakia, Romania và Tây Ban Nha) không công nhận nền độc lập của Kosovo…", ông Igrutinovic nhận xét. "Nói cách khác, vấn đề là kết hợp tiến trình gia nhập chính thức với thực tế có một nhóm các nước Tây Balkan được gọi là đối tác với EU và các bên phần lớn chỉ thảo luận với nhau về hợp tác kinh tế".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thuong-dinh-eu-tay-balkan-tia-hy-vong-le-loi-giua-that-vong-tran-tre-20200507171819888.htm