Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Gặp nhau đã là quý

Thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến đã góp phần nhen nhóm lại quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, củng cố nền tảng để cải thiện quan hệ trong tương lai.

Thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra trong bầu không khí thân thiện nhưng thẳng thắn. (Nguồn: Sky News)

Thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra trong bầu không khí thân thiện nhưng thẳng thắn. (Nguồn: Sky News)

Tối ngày 15/11 (theo giờ Mỹ), thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra với vài điểm đáng chú ý.

Chuyện hai “lão bằng hữu”

Trước hết, cuộc thượng đỉnh này hướng tới mục tiêu củng cố quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, giúp Washington và Bắc Kinh hiểu rõ giới hạn của nhau, từ đó kiểm soát bất đồng, tránh đối đầu gay gắt dẫn tới xung đột trực diện.

Đây là cuộc tiếp xúc lần thứ ba giữa ông Biden và ông Tập, đồng thời là thượng đỉnh Mỹ-Trung đầu tiên từ khi ông Biden lên nắm quyền. Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Joe Biden từng nhiều lần tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt với ông Tập Cận Bình, khi đó là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung trở nên toàn diện, gay gắt hơn, mối quan hệ từ quá khứ của hai người sẽ là nền tảng quan trọng nhằm cải thiện quan hệ hiện nay. Đây là điều được cả ông Joe Biden lẫn ông Tập Cận Bình đề cập trước thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ khẳng định: “Chúng ta đã nhiều lần trò chuyện với nhau, và tôi hy vọng chúng ta cũng có thể có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với nhau vào tối nay".

Đáp lại, ông Tập Cận Bình gọi ông Joe Biden là “lão bằng hữu” (người bạn cũ), cụm từ thể hiện sự gần gũi, quen thuộc và tin cậy, cho thấy thiện chí trước thượng đỉnh.

Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cùng hoài niệm về thời gian gặp gỡ vài năm trước đó, thậm chí còn nhắc lại nhiều câu nói của nhau nhằm tạo bầu không khí thoải mái.

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình từng nhiều lần gặp gỡ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AP)

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình từng nhiều lần gặp gỡ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AP)

Tàu lớn trước sóng dữ

Với phương châm trên, thượng đỉnh không chú trọng tìm kiếm đột phá trong giải quyết bất đồng hiện nay giữa hai nước. Thay vào đó, các bên chủ trương làm rõ giới hạn của nhau, thiết lập liên lạc để kiểm soát bất đồng, tránh đối đầu trên thực địa.

Cụ thể, cả hai không né tránh và trao đổi thẳng thắn về hàng loạt vấn đề nhạy cảm như tình hình Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong (Trung Quốc), eo biển Đài Loan.

Về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), ông Biden cho thấy chính sách “nước đôi” của mình khi vừa duy trì cam kết với chính sách “Một Trung Quốc”, vừa phản đối hành động thay đổi tính nguyên trạng hay đe dọa hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, cũng như cam kết mở rộng hiện diện của Mỹ tại khu vực này.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định lại cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không”, cho rằng chỉ khi Mỹ đáp ứng điều kiện của Trung Quốc, cải thiện quan hệ song phương, hai bên mới có thể hợp tác, đảm bảo thế giới phát triển hòa bình.

Tuy nhiên, dù nêu rõ các khác biệt trong tranh chấp thương mại, cạnh tranh chiến lược, song cả ông Biden lẫn ông Tập đều hiểu rõ trách nhiệm nước lớn trong duy trì quan hệ đối thoại, đảm bảo hòa bình, an ninh của thế giới. Hai bên nhận thức nhu cầu hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đối khí hậu, khủng hoảng về năng lượng cũng như một số điểm nóng, đơn cử tại Afghanistan hay Triều Tiên.

Tuyên bố Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu mới đây, cùng diễn biến tích cực tại đàm phán thương mại, đối thoại giữa nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Zurich (Thụy Sỹ) hồi tháng 10, hay cuộc gặp Mỹ-Trung cấp Ngoại trưởng tại Thượng đỉnh G20 ở Rome (Italy) vài tuần trước đã ít nhiều cho thấy xu thế hợp tác trong cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.

“Sự phát triển của quan hệ song phương (Mỹ-Trung) sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đến hai nước mà còn cả phần còn lại của thế giới. Chúng ta có trách nhiệm với thế giới, cũng như với người dân của chúng ta.” - Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Joe Biden khẳng định: “Sự phát triển của quan hệ song phương sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đến hai nước mà còn cả phần còn lại của thế giới. Chúng ta có trách nhiệm với thế giới, cũng như với người dân của chúng ta.”

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình lại ví Mỹ và Trung Quốc như “hai con tàu lớn trên biển cả”, cần vững tay chèo lái để cùng vượt sóng dữ mà không bị chậm lại, mất phương hướng hay va chạm vào nhau. Để làm được điều đó, hai bên cần thực hiện ba phương châm cốt lõi: Tôn trọng lẫn nhau, tồn tại hòa bình và hợp tác cùng thắng.

Trên tinh thần đó, cả hai đều nhất trí về tầm quan trọng của kiểm soát rủi ro chiến lược, đảm bảo rằng “cạnh tranh thẳng thắn” không dẫn đến xung đột.

Nhận định “khác biệt là lẽ hiển nhiên”, ông Tập Cận Bình cho rằng chìa khóa quan hệ Mỹ-Trung là kiểm soát bất đồng, tránh phóng đại hay làm phức tạp tình hình, đồng thời củng cố đối thoại và hợp tác về vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Ông Biden nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc cần mở rộng hợp tác trong lĩnh vực có chung lợi ích và quan trọng hơn, duy trì liên lạc ở nhiều kênh khác nhau, tiến hành đối thoại thực chất, đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo “hợp lý và ổn định”, vì lợi ích của nhân dân hai nước và thế giới.

Thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến dù không mang lại đột phá, song đã góp phần củng cố quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, giúp Washington và Bắc Kinh hiểu giới hạn của nhau, từ đó duy trì liên lạc và đối thoại, kiểm soát bất đồng, tránh đối đầu gay gắt dẫn tới xung đột.

“Gặp nhau đã là quý” vì lẽ ấy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-my-trung-gap-nhau-da-la-quy-165128.html