Thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc nỗ lực tìm cách 'ổn định' quan hệ song phương

Dư luận quốc tế đang chú ý cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình với hy vọng về những cải thiện ổn định quan hệ giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11 tới. Cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc diễn ra bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 ở San Francisco, Mỹ. Dự kiến, chương trình nghị sự sẽ đề cập các vấn đề toàn cầu như chiến sự Hamas - Israel, xung đột Nga - Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như lĩnh vực thương mại và kinh tế.

Chân dung 2 nhà lãnh đạo Mỹ (Joe Biden) và Trung Quốc (Tập Cận Bình). Ảnh: The Hill.

Chân dung 2 nhà lãnh đạo Mỹ (Joe Biden) và Trung Quốc (Tập Cận Bình). Ảnh: The Hill.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình trong một năm qua. Gần đây, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những tương tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại hy vọng mới cho việc xoa dịu quan hệ song phương. Liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này có đem lại bước đột phá trong nỗ lực tìm cách “ổn định” quan hệ song phương, sau những căng thẳng thời gian qua?

Ý nghĩa thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình

Cuộc gặp tại San Francisco sẽ là lần thứ hai Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau trực tiếp trong vòng 3 năm qua. Cuộc gặp gần nhất diễn ra bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali năm ngoái với ý định tạo cơ sở cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và quân sự gia tăng.

Sau cuộc gặp đó, hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn, tuy nhiên, sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã khiến hy vọng bình thường hóa quan hệ đổ vỡ. Sau chuyến thăm Đài Loan năm ngoái của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosy, Trung Quốc đã bất ngờ cắt đứt liên lạc với quân đội Mỹ, động thái đã khiến giới chức Mỹ lo ngại có thể dẫn tới các tính toán sai lầm ở một số khu vực đang có nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, thời gian qua đã chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực trong quan hệ hai nước.

Các chuyên gia đánh giá cuộc gặp lần này của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng song phương đã dịu bớt và đây là kết quả của kỳ “ngoại giao mùa hè thành công”, gồm một loạt chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước kể từ tháng 6. Ngoài ra, ngày 6/11 vừa qua, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại tham vấn về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã bị “đóng băng” trong nhiều năm. Hành động này được cho là nhằm tạo dựng niềm tin giữa hai nước trước thềm cuộc gặp, cũng như nhằm duy trì các kênh liên lạc mở, giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa hai bên.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính tuần vừa rồi cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cải thiện quan hệ với Washington. Theo quan chức này, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc và đối thoại với Mỹ ở mọi cấp độ nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, quản lý các bất đồng một cách hợp lý và cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Những động thái đầy tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc với các cuộc đối thoại song phương đang cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ của cả hai bên, giữa lúc quan hệ của hai cường quốc căng thẳng vì những bất đồng ngày một sâu sắc về an ninh và ổn định toàn cầu.

Dù khó có khả năng mang lại một bước đột phá lớn, nhưng cuộc gặp được cho là cơ hội để hai nước Mỹ và Trung Quốc tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang gia tăng hiện nay. Cuộc gặp có thể sẽ tạo ra một khuôn khổ nhằm quản lý thành công quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc với mục đích tránh hiểu nhầm và những yếu tố bất ngờ.

Tính toán của Trung Quốc

Có thể thấy, cả hai bên Trung Quốc và Mỹ đều có thái độ tích cực đối với cuộc gặp thượng đỉnh lần này bên lề Hội nghị cấp cao APEC. Cùng với hàng loạt hoạt động song phương tiến hành kể từ tháng 6, nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp, hôm 9/11 – một ngày trước khi Trung Quốc xác nhận thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh đã công bố liên tiếp các tương tác tích cực giữa hai nước, bao gồm việc hai bên đạt “kết quả tích cực” tại cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở California và các chuyến bay thẳng hàng tuần giữa hai nước sẽ tăng gần 50%.

Vào thời điểm thông tin chính thức được công bố, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vẫn đang có chuyến thăm Mỹ. Theo truyền thông Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tiến hành “nhiều cuộc hội đàm”. Hai bên cam kết thực hiện các đồng thuận quan trọng đạt được giữa nguyên thủ hai nước, “chuẩn bị kết quả kinh tế cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại San Francisco, đưa quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định”. Đây là hoạt động ngoại giao cuối cùng nhằm góp phần tạo nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ lần này diễn ra sau những thăng trầm trong quan hệ song phương suốt thời gian qua, cho thấy hai bên đang cố gắng tìm kiếm một mô hình tương tác mới nhằm giúp quan hệ hai nước đạt được sự ổn định lâu dài.

Nhìn từ góc độ mô hình cạnh tranh chiến lược, có thể thấy “cạnh tranh, hợp tác, đối đầu” đang và có thể sẽ là dòng chính trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian dài sắp tới. Dù bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề địa chính trị và an ninh quốc gia vẫn chưa được thu hẹp, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tới San Francisco gặp Tổng thống Joe Biden, quyết định này có cả các tính toán nội tại và những yếu tố từ bên ngoài.

Tính toán nội tại đó là sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hậu đại dịch không như mong đợi. Xuất khẩu và đầu tư giảm do chịu tác động từ các yếu tố như nhu cầu bên ngoài yếu hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp tăng lãi suất, khiến Trung Quốc có nhu cầu cấp thiết trong việc mở rộng với bên ngoài để phục hồi nhanh hơn. Trong chuyến đi này, ngoài gặp Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ gửi các thông điệp hợp tác kinh tế tới APEC. Ngoài ra, theo thông tin từ Washington, ông còn có kế hoạch dự tiệc tối cùng các doanh nhân hàng đầu của Mỹ. Đây cũng có thể được xem là tín hiệu quan trọng về thu hút đầu tư nước ngoài.

Về yếu tố bên ngoài, với Trung Quốc, ảnh hưởng của Mỹ đối với môi trường bên ngoài của nước này là điều không cần phải bàn cãi. Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ tại Bali, Indonesia tháng 11 năm ngoái đã hỗ trợ đắc lực cho Bắc Kinh trong việc khởi động lại mối quan hệ với các nước phương Tây. Do vậy, chuyến đi lần này của ông Tập nhằm gửi tới thế giới tín hiệu về việc lãnh đạo hai bên cam kết đưa quan hệ song phương đi theo hướng ổn định và mang tính xây dựng hơn.

Mặc dù giới phân tích không đặt kỳ vọng nhiều vào sự đột phá trong quan hệ Trung-Mỹ, hay trong các vấn đề lớn hoặc nhạy cảm như Đài Loan, xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Hamas - Israel, kiểm soát công nghệ... tại cuộc hội đàm, nhưng họ cũng nhận định quan hệ Trung - Mỹ sẽ ổn định trong một thời gian và tập trung nhiều hơn vào hợp tác.

Mong chờ của hai nước

Mục tiêu chuyến công du tới Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc là nhằm ngăn chặn cạnh tranh gay gắt giữa hai bên phát triển thành xung đột. Hai nước đang nhìn thấy cơ hội để giảm bớt căng thẳng trong một số vấn đề cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

Mặc dù giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn tồn tại những bất đồng sâu sắc và nhiều điểm căng thẳng, nhưng dư luận nước này vẫn đặt kỳ vọng vào cuộc gặp, với hy vọng nó sẽ phát huy vai trò ổn định quan hệ song phương và tạo ra một bước ngoặt nào đó.

Trong thông cáo về cuộc gặp, Bắc Kinh đã không tiết lộ những gì nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận, nhưng qua truyền thông nước này có thể thấy những điều mà dư luận Trung Quốc quan tâm lúc này. Trước tiên và quan trọng nhất, đó là vấn đề Đài Loan. Đây luôn là thách thức lớn nhất trong quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt khi hòn đảo này sẽ tổ chức bầu cử vào đầu năm tới. Thứ hai, những hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và căng thẳng về yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo chuyên gia Trung Quốc, với những gì đang diễn ra, cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn có được kết quả thiết thực cho cuộc đối thoại lần này. Hai bên cũng sẽ trở nên thành thục hơn trong việc xử lý về mặt kỹ thuật các vấn đề rơi vào thế bế tắc giằng co, cũng như định liệu trước được những khó khăn trong việc thực hiện đồng thuận giữa nguyên thủ hai nước.

Dù hai bên khó có những bước tiến lớn trong quan hệ sau cuộc gặp, nhưng giữa hai nước có thể đạt được những kết quả nhất định trên thực tế. Ví dụ, Mỹ có thể dỡ bỏ dần thuế quan đối với Trung Quốc, vốn được áp đặt kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước bắt đầu vào năm 2018 và đây là điều mà Bắc Kinh đã đòi hỏi trong nhiều năm. Hai bên cũng sẽ cố gắng duy trì các kênh liên lạc mở, nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm, trong đó có việc từng bước nối lại liên lạc về quân sự đã bị đóng băng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8/2022.

Có thể nói rằng tại Mỹ hiện nay trong khi giới chức nước này rất mong đợi thì người dân Mỹ cũng dồn mọi sự chú ý vào cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo Mỹ-Trung dự kiến diễn ra vào tuần tới. Nhìn chung, đa số ý kiến trong dư luận Mỹ đều cho rằng mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đặt ra nhiều kỳ vọng với cuộc gặp có ý nghĩa hết sức quan trọng này nhưng khó có thể đạt được các kết quả tích cực mang tính đột phá. Hay nói cách khác, lãnh đạo Mỹ-Trung sau thượng đỉnh không thể ra về với hàng loạt hợp đồng hoặc thỏa thuận như trong các cuộc gặp tương tự trong giai đoạn trước khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Tuy nhiên, các cuộc gặp thượng đỉnh mặc dù không đạt được kết quả đột phá nhưng vẫn là kênh liên lạc quan trọng và hiệu quả nhất trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Theo dư luận Mỹ, kết quả tích cực nhất của thượng đỉnh lần này có thể chỉ là các nỗ lực làm chậm lại vòng xoáy đi xuống trong quan hệ song phương, một dấu hiệu tích cực khi quan hệ hai nước được cho là đang trong giai đoạn xấu nhất trong nhiều năm qua. Về quan hệ song phương, hai nước có thể nối lại các kênh liên lạc quân sự, chính thức hóa các nhóm công tác song phương công bố hồi tháng 8 vừa qua cũng như cam kết về các cuộc gặp cấp cao tiếp theo. Đối với các điểm nóng trên thế giới, kết quả tích cực nhất có lẽ sẽ là các cam kết của Trung Quốc trong hợp tác với Mỹ giải quyết các thách thức toàn cầu như khí hậu, y tế toàn cầu cũng như nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine, giảm bớt bạo lực ở Trung Đông.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nữa đang được dư luận Mỹ rất quan tâm, đó là việc triển khai các cam kết của lãnh đạo cấp cao sẽ được thực hiện như thế nào. Thượng đỉnh là cần thiết để thúc đẩy nỗ lực ổn định quan hệ Mỹ-Trung nhưng việc thực hiện triển khai mới là yếu tố quan trọng hơn. Trong lịch sử, đã không ít lần quan hệ song phương Mỹ-Trung có nhiều dấu hiệu cải thiện trước các cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng đã nhanh chóng rơi vào vòng xoáy suy giảm mới ngay sau đó. Tổ chức thượng đỉnh là dấu hiệu tích cực cho quan hệ Mỹ-Trung, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì điều này có thể là chưa đủ để giúp mối quan hệ được xem là quan trọng nhất toàn cầu đi vào ổn định.

Kể từ đầu năm nay đến nay, Trung Quốc và Mỹ có những tương tác thường xuyên trên nhiều lĩnh vực, mang lại hy vọng mới cho việc xoa dịu quan hệ song phương. Mặc dù dư luận nhìn chung không đặt nhiều kỳ vọng vào sự đột phá cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, song cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này đã cho thấy hai cường quốc đang nỗ lực tìm cách “ổn định” mối quan hệ song phương sau những căng thẳng thời gian gần đây.

Phạm Huân, Bích Thuận, Quỳnh Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-dinh-my-trung-quoc-no-luc-tim-cach-on-dinh-quan-he-song-phuong-post1058856.vov