Thương hiệu cho mỗi ngôi trường
Đề án thí điểm tự chủ giáo dục ĐH (công lập) được triển khai từ năm 2017, với 23 trường được tự chủ, song hơn 3 năm qua, theo đánh giá của các chuyên gia, thậm chí cả những người trong cuộc, thì đây mới chỉ là sự 'tự chủ nửa vời', tự chủ về mặt chính sách, trên giấy tờ là chính.
Hiện đa phần các trường ĐH công lập vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp: Chịu sự xét duyệt từ số lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo (chương trình khung), ngân sách tài chính, cho đến thù lao giảng viên, bổ nhiệm chức danh (GS, PGS)… Chính cơ chế quản lý cũ, tự chủ nửa vời như vừa qua đã khiến cho các trường ĐH công lập có nguy cơ mất vị thế, vì nguồn lực hạn chế nên không đảm bảo được chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Ở một góc độ khác, nhất là với các trường ngoài công lập, tự chủ ĐH giống như là được buông lỏng. Đó là việc các trường được tự xác định mức điểm sàn tuyển sinh quá thấp, hoặc cấp phép văn bằng trái quy định pháp luật. Chính vì thế mà thời gian qua mới có những câu chuyện không ít trường đi “tiếp thị” tuyển sinh; có những trường bị sinh viên kiện vì việc quảng bá tuyển sinh một đằng, cấp bằng một nẻo. Thiếu giám sát, lại không bị xử lý nghiêm, thành thử cung cách tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” cứ tái diễn hết mùa tuyển sinh này sang mùa tuyển sinh khác, chỉ với mục đích đạt cho được chỉ tiêu đã định.
Nhưng nghe lại càng buồn hơn khi chính lãnh đạo Bộ GDĐT cũng từng thừa nhận, hiện nay nhân lực của Bộ không đủ để hậu kiểm tất cả các trường. Mỗi năm chỉ kiểm tra khoảng 20/400 cơ sở đào tạo. Rõ ràng tỉ lệ 5% các trường ĐH được hậu kiểm mỗi năm thực sự là... muối bỏ bể, khó đảm bảo cam kết về chất lượng của các trường khi thiếu người kiểm tra, đánh giá cũng là điều có thể lý giải được.
Giờ đây khối đào tạo ĐH cũng đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường nghề. Hiện không ít trường hợp sinh viên ĐH ra trường không xin được việc làm vì trình độ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cùng với đó kỹ năng của sinh viên ĐH ra trường cũng bị đánh giá là yếu và thiếu. Thế nên một vài năm trở lại đây, xu hướng học nghề để có việc làm ngay của các bạn trẻ cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Đơn cử, theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh 2020 có hơn 255 nghìn thí sinh từ bỏ “cuộc đua” ĐH-CĐ, họ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (tỉ lệ này chiếm 28,5%). Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2019, thống kê cũng cho thấy có 279.001 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm khoảng 27,8%). Đây chính là cơ hội cho khối các trường đào tạo nghề.
Vì thế, nói đến tự chủ ĐH cũng chính là việc tạo dựng thương hiệu, từ đó mới tăng sức cạnh tranh, có sức hút người học. Một khảo sát nhỏ khi chúng tôi trao đổi với học sinh THPT khi các em đăng ký xét tuyển ĐH, nhiều em cho biết, họ chọn trường A, trường B bởi nghe nói cùng học ngành này nhưng trường đó có uy tín khi đi xin việc hơn là những trường khác có cùng ngành đào tạo.
Vì thế, tự chủ nếu hiểu đơn thuần là được tự quyết tất cả, được tăng học phí theo cơ chế thị trường… nhưng học xong sinh viên vẫn trầy trật đi xin việc làm không xong, thì nghe thật là thiếu sức thuyết phục. Mà nói như các bạn trẻ bây giờ là cứ thấy sai sai thế nào…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuong-hieu-cho-moi-ngoi-truong-508885.html