Thương hiệu Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là địa phương tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và hiệu quả. Trong quá trình phát triển, có những doanh nghiệp (DN), bắt kịp xu hướng của thế giới, xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế tại thị trường nội địa, quốc tế.

Sản phẩm của Công ty CP thực phẩm G.C đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia. Ảnh:N.Hạ

Sản phẩm của Công ty CP thực phẩm G.C đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia. Ảnh:N.Hạ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những thương hiệu Việt đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và từng bước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh như: Trường Hải, Biti’s, Donagamex, Đồng Tiến, G.C Food, Tuấn Việt, Nam Long, Casumina, Vicasa… Tuy nhiên, so với các DN đã đăng ký thành lập tại Đồng Nai là gần 56 ngàn thì số DN Việt xây dựng thương hiệu được người tiêu dùng biết đến còn rất khiêm tốn.

Bắt kịp xu hướng phát triển

Điểm chung của các DN Việt xây dựng thành công thương hiệu để đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng toàn cầu là bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Đầu tư vào công nghệ hiện đại, tham gia chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, các thương hiệu Việt chú trọng nhiều đến nghiên cứu thị trường theo mùa, năm để đưa ra những mẫu mã phù hợp. Như vậy, hàng hóa sản xuất ra mới đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước, nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN trên cũng phải đảm bảo những tiêu chí về sản xuất xanh, tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững.

Trong 9 tháng của năm 2024, các DN trong nước tại Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa được hơn 4,3 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Đồng Tiến hiện có 3 cơ sở sản xuất tại thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Định Quán. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) cho biết, sản phẩm may mặc của Đồng Tiến ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa đã xuất khẩu vào nhiều quốc gia thuộc châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trong đó, thị trường tiêu thụ chính của công ty là châu Âu. Để giữ chân được các đối tác nước ngoài và mở thêm thị trường mới, DN đã đầu tư nhà máy đạt tiêu chí xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế, đáp ứng nhanh các đơn hàng khó. Do đó, DN đã nhận được đơn hàng đến đầu năm 2025 và dự tính năm nay, DN sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước.

Trong sân chơi chung toàn cầu, DN nào đi nhanh trong chuyển đổi số để sản xuất xanh, đa dạng sản phẩm sẽ tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, thành viên HĐQT Công ty CP thực phẩm G.C (G.C Food) ở huyện Trảng Bom cho hay, công ty được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, sau đó liên tục tăng qua các năm và đến năm 2023, đã tăng lên hơn 300 tỷ đồng. Doanh thu năm 2023 của G.C Food là 474 tỷ đồng, mức tăng trưởng trên 30%/năm. Mục tiêu năm 2024, DN đạt doanh thu 573 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần so với năm trước. Đến nay, G.C Food đã trở thành DN sản xuất nha đam, thạch dừa lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm của công ty cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia. Có được kết quả trên là do G.C Food nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, quốc tế đòi hỏi sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc. Vì thế, DN đã liên kết, đầu tư vùng nguyên liệu hàng trăm hécta hình thành mô hình khép kín theo chuỗi xanh, sạch.

Nhiều rào cản với DN Việt

Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, số DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm đến 95%. Mỗi năm tỉnh có khoảng 4 ngàn DN thành lập mới, nhưng số DN phải tạm dừng hoạt động và giải thể lên đến hơn 2 ngàn DN. Các DN giải thể, tạm dừng hoạt động đa số là do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu.

Theo các DN, trong quá trình hoạt động có một số rào cản đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh là thủ tục hành chính phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó tiếp cận; vốn vay lãi suất còn cao; giá thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp cao; thiếu đầu ra cho sản phẩm.

Những khó khăn trên của DN cũng đã được tỉnh nắm bắt và có những giải pháp hỗ trợ thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp. Tại các hội nghị, nhiều khó khăn của DN thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được tháo gỡ. Còn những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách từ Trung ương đã được tỉnh tổng hợp để kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ sớm giải quyết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, chính quyền Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN nên khi gặp những khó khăn, vướng mắc DN có thể kiến nghị trực tiếp với hiệp hội hoặc các sở, ngành liên quan để được hỗ trợ giải quyết. Các cán bộ, công chức cố tình gây khó khăn cho DN sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài nhằm hỗ trợ DN tìm được đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, mỗi DN đều phải tự nỗ lực, tìm hướng đi phù hợp. DN nên chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời, DN cũng phải linh hoạt nắm bắt xu hướng, yêu cầu của từng thị trường nhắm tới để có đầu tư, điều chỉnh sản xuất kịp thời.

Theo PGS-TS Thoại Nam, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, công nghệ được xem là giải pháp tạo ra động lực mới để DN phát triển. Trong đó, bao gồm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, nhà máy thông minh. Với DN nhỏ và vừa đầu tư vào nhà máy thông minh được xem là giải pháp có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, DN nhỏ và vừa gặp không ít trở ngại khi đầu tư vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo vì cần có kiến thức, nguồn vốn, nhân lực. Do đó, DN cần liên kết để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Nguyệt Hạ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/thuong-hieu-viet-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-6cf5e81/