'Thương hoài ngàn năm' của Võ Phiến trở lại sau hơn nửa thế kỷ

Sau hơn nửa thế kỷ mới trở lại với đông đảo độc giả, tập truyện ngắn 'Thương hoài ngàn năm' (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành) đã cho thấy một Võ Phiến (hay Tràng Thiên) với lối viết sắc sảo, đầy sáng tạo trong cách mô tả những chiều sâu tâm lý nhân vật.

Vài năm trước đây, tập tùy bút Quê hương tôi của Tràng Thiên khi ra mắt đã ngay lập tức thu hút độc giả bởi những quan sát khác lạ và cách viết nhiều cảm xúc về các hình tượng quen thuộc với con người – văn hóa Việt Nam. Tuy vậy độc giả thế hệ sau này không phải ai cũng biết ông là một nhà văn miền Nam nổi tiếng ở giai đoạn 1954 – 1975 với nhiều sáng tạo trong đa dạng thể loại, từ tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca cho đến tiểu luận, phê bình, đàm thoại...

Ở mảng truyện ngắn, Thương hoài ngàn năm có thể được coi như tác phẩm tiêu biểu và ấn tượng nhất của tác giả này.

Nhà văn của tâm lý nhân vật

Tác giả Võ Phiến. Ảnh: Trần Cao Lĩnh

Tác giả Võ Phiến. Ảnh: Trần Cao Lĩnh

Cuốn sách gồm 3 truyện ngắn cùng lấy bối cảnh ở vùng nông thôn An Quý với những con người ở nhiều độ tuổi cũng như giới tính, nhưng có điểm chung là đều ẩn chứa cảm xúc khó nói, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Đó có thể là một “bi kịch” gia đình như nhà ông Nghĩa với con chung, con riêng (Thương hoài ngàn năm) cũng như những xao động cảm xúc của tình cảm đầu đời (Viết thư buổi trưa). Có thể nói Võ Phiến là một nhà văn đã đi rất sâu vào thế giới nội tâm của các nhân vật, từ đó nêu bật lên những chủ đề tưởng chừng muôn thuở là tình yêu, hôn nhân cũng như sự bất nhất của tình cảm con người.

Quan sát và sự tái hiện của Võ Phiến không hời hợt, lợt lạt, mà qua những chi tiết từ ánh mắt, cử chỉ và cảm xúc của nhân vật, ông đã khắc họa được cả tính cách của những cá thể sống động trong từng câu chuyện. Chẳng hạn ở truyện được chọn làm tiêu đề cho tuyển tập xoay quanh gia đình ông Nghĩa và chuyện tình cảm của 4 cô con gái, Võ Phiến đã họa nên một nhân vật khiến cho người đọc không ngừng chất vấn cũng như tự hỏi đâu là động cơ cho các hành vi. Theo đó, thay vì ban cho nhân vật tiếng nói cũng như tạo các bối cảnh để cá tính này có thể tiến vào “sân khấu trung tâm”, thì tác giả chỉ đơn thuần tái tạo hành vi mang tính lặp lại và không cảm xúc trong những công việc thường ngày. Đó vừa đại diện cho tính cách của ông, nhưng có thể nói cũng đồng thời lý giải cho sự chung đụng với vợ và 3 cô con gái vốn không phải là con ruột của mình.

Cũng tương tự thế ông đã đặc tả những rung cảm sống động của những người yêu nhau, từ cô Bạch - con ruột ông Nghĩa - thơ ngây chìm đắm trong tình yêu ở một khoảnh khắc vô tình với anh Đang để rồi những tưởng đó là thiên tình sử cả đời (Thương hoài ngàn năm), cho đến người cậu Tuyền và cô Trang với những bức thư gửi gắm cho nhau (Viết thư buổi trưa). Ông đã cho thấy được sự thanh tân và cái xao xuyến của lúc mới yêu qua những mô tả sống động, đa diện và rất hấp dẫn.

Chẳng hạn trong truyện ngắn sau ông đã viết rằng: “Tuyền có cảm tưởng như mình lấy ngón tay đè xuống một cánh bướm, để cho cánh kia còn quạt giãy chấp chới chấp chới. Mấy dòng này chỉ ghi lại một chút mà thôi, cảm xúc của chàng còn phấp phới rộn ràng cả ngoài bức thư”.

Ông cũng không chủ tâm hoàn thành truyện ngắn mà để chúng có cái kết lơ lửng, từ đó để lại những những sự chất vấn trong lòng độc giả. Chẳng hạn Viết thư buổi trưa chỉ là một lát cắt rất nhỏ của một ngày bình thường, nơi những cảm xúc xao xuyến cũng mang tính chất nhất thời được tái hiện lại, vậy thì sau đó mọi chuyện ra sao? Thương hoài ngàn năm cũng tương tự thế, câu chuyện khép lại bằng nước mắt của nhân vật Bạch khi cô hoài nghi về thứ xao động mà có thể gọi là yêu cho một tình nhân không đang ở nơi mà cô hằng tưởng. Ta thừa biết đó là những mối tình đầu không dễ gì có kết quả, nhưng chính cái đẹp đứt lìa đã tiên đoán cho bi kịch đang đến gần hơn. Đó chính là cái hay mà Võ Phiến đã để lại những dư âm trong lòng người đọc.

Bìa sách Thương hoài ngàn năm vừa được trở lại với đông đảo độc giả. Ảnh: Minh Anh

Xung đột mới cũ

Thuộc thế hệ các nhà văn miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, chủ đề phổ quát về kình chống mới – cũ, hiện đại – truyền thống, nông thôn - thành thị... cũng xuất hiện trong tuyển tập này của Võ Phiến. Chẳng hạn ở Thương hoài ngàn năm đó là hai phe giữa truyền thống là ông Nghĩa và hiện đại là vợ cùng 3 cô con gái riêng. Nếu người đàn ông xù xì, gai góc, quanh năm chỉ biết làm lụng, không nghĩ ra được trò vui hấp dẫn nào để giết thì giờ thì những người phụ nữ trong tác phẩm này lại phóng khoáng hơn, từ cô Hồng chửa hoang, cô Hoàng thông dâm cho đến cô Thanh rúc rích giữa đồng khi chưa thành thân…

Dễ thấy Võ Phiến không có ý lên án hay phê phán tình cảm nữ giới (vì thông qua hình tượng cô Bạch, ngòi bút của ông vẫn chứa nhiều sự cảm thông), mà đó là cái phản kháng những giá trị truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, qua đó lên án chính cái xưa cũ không còn phù hợp. Như ông miêu tả: “Hồi còn con gái bà Nghĩa luôn luôn bị cái hình thù xấu xí của chồng ám ảnh [...] Ý thức tự vệ chống cái ám ảnh đó thấm nhuần mọi cử chỉ, ý tưởng, hành động của bà”. Vì vậy hạnh phúc trong một gia đình dần dần trở thành cuộc chiến, khi thay vì mừng vui bởi kết tinh của cặp vợ chồng ra đời thì thay vào đó “việc có cô Bạch thể hiện quyền hiển nhiên với vợ” của ông Nghĩa. Cuộc hôn nhân không cảm xúc ấy đã đặt một gia đình vào chỗ khó xử, trong khi những cô con gái có thể vì thấy “tấm gương” của bố mẹ mình mà cũng tiến tới những sự tân tiến trong hôn nhân, dẫn đến số phận có nhiều bước ngoặt không thể đoán trước.

Ý tưởng nói trên cũng được thể hiện qua truyện ngắn cuối là Đến khi ma chết vô cùng sáng tạo. Nó kể về gia đình ông bà Hải Thọ bán thuốc của nhà Tái sinh đường di động trên xe, trong một lần nọ do tai nạn mà phải trú ngụ ở nhà ông Nghè ở vùng An Quý. Tại đây ông Hải Thọ đã gặp phải một con ma tinh nghịch, quấy phá, theo ông từ quê lên đến phố thị. Mở đầu truyện ngắn bằng không gian ma quái, kinh dị, có thể thấy tài năng của Võ Phiến khi dùng chính thể loại này để xoáy sâu vào sự khác biệt giữa nông thôn – thành thị, hiện đại – truyền thống... trong màu sắc châm biếm, giễu nhại với những màn trả đũa gây cấn giữa người và ma.

Ở nơi đô hội, con ma bắt đầu cảm thấy xa lạ với sự nhộn nhịp, sáng đèn đêm đêm so với vùng quê nơi nó trú ngụ. Nó cũng nhìn thấy muôn chuyện trên đời xuất hiện trên báo khiến cái riêng tư cũng như chậm rãi của nơi từ đó nó đến không còn hiện diện. Từ sự vỡ mộng này, Võ Phiến đã tái hiện lại những nét khác biệt ấn tượng giữa hai cuộc sống, qua đó phần nào khắc họa lại một đô hội nhiều thập kỷ trước với những nhốn nháo cũng như xô bồ của chốn thị dân. Với một thông điệp không mấy mới mẻ, thế nhưng có thể nói bằng cốt truyện và cách chọn lựa giọng kể cũng như nhân vật có phần độc lạ, Võ Phiến đã cho thấy tài năng đặc biệt, để lại ấn tượng sâu trong độc giả.

Có thể nói qua Thương hoài ngàn năm, một Võ Phiến tinh tế với những quan sát vô cùng chi tiết để khắc họa nhân vật một cách sâu rộng đã được hiện lên. Ông cho thấy mình là một tác giả không đơn thuần ở bề mặt mà còn đi sâu vào những lãnh địa nội tâm, song song cùng đó là không ngừng mở rộng biên độ sáng tạo, qua đó phơi bày những kình chống mới – cũ, truyền thống – hiện đại... nhiều thập niên trước cũng như cuộc sống con người có nhiều biến động. Đây có thể nói là tập truyện ngắn tiêu biểu và đầy ấn tượng của tác giả này.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thuong-hoai-ngan-nam-cua-vo-phien-tro-lai-sau-hon-nua-the-ky-45821.html