Thương mại điện tử đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới. Mặc dù đạt được kết quả quan trọng, song công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, cần có giải pháp cụ thể hơn nữa.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa Văn Chung

94 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, TMĐT ngày càng được mở rộng, với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, mức tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, điều này đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; yêu cầu chuyển đổi phương pháp quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế; quản lý tuân thủ theo nguyên tắc rủi ro trên cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Số thu từ thương mại điện tử tăng mạnh

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới như: Tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, chủ sở hữu sàn TMĐT, các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) và đối tác của họ tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần lan tỏa chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh, phát triển bền vững trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhà nước.

Đặc biệt, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đảm bảo cấp độ 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử. Lũy kế đến nay đã có 94 NCCNN đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, thu được khoảng 3.900 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và chính thức vận hành CSDL về TMĐT được thu thập từ nhiều nguồn thông tin theo quy định. CSDL TMĐT được tập trung tại Tổng cục Thuế để hỗ trợ các cơ quan thuế địa phương khai thác và sử dụng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…

Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với cơ quan thuế các nước và các tổ chức quốc tế (OECD, IMF, WB, ADB, JICA...) trong việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tham gia nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị các nội dung, thủ tục thực hiện ký kết Hiệp định đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số (MLC). Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Hoàn thiện chính sách để bao quát nguồn thu

Mặc dù đạt được kết quả quan trọng ban đầu, song công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Theo Tổng cục Thuế, hiện nay ngoài các hình thức kinh doanh TMĐT truyền thống qua sàn giao dịch TMĐT được thành lập theo quy định của pháp luật, còn phát sinh nhiều hình thức TMĐT mới như: bán hàng live stream, sử dụng công nghệ thực tế ảo không chỉ trên các nền tảng số mà cả từ lĩnh vực viễn thông - thuê bao điện thoại, sàn giao dịch TMĐT không tập trung - áp dụng công nghệ block chain. Ngoài ra, các hàng hóa dịch vụ không chỉ mang tính vật lý và nội dung số thông thường, mà đã phát sinh nhiều hình thức hàng hóa dịch vụ mới phi truyền thống như các hình thức tài sản số. Do đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT ngày nay càng thêm khó khăn.

Theo Tổng cục Thuế, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thuế nói riêng và lĩnh vực chuyên ngành khác nói chung cần được củng cố để bao quát hết các hoạt động TMĐT. Qua đó, nhận diện được đầy đủ các hình thái, mô hình và cách thức hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái TMĐT, để bổ sung những quy định quản lý đặc thù, phù hợp, hiệu quả đối với các mô hình khác nhau và quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Về định danh các đối tượng kinh doanh TMĐT, việc định danh là việc đầu tiên cần phải thực hiện trong công tác quản lý thuế. Để có đủ cơ sở đưa các đối tượng kinh doanh TMĐT vào diện quản lý thuế thì cơ quan thuế phải có đầy đủ thông tin xác thực về tên, địa chỉ, căn cước công dân, mã số thuế,... theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đôn đốc các NCCNN thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định do loại hình kinh doanh của NCCNN chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ cao, không có hiện diện tại Việt Nam, phạm vi hoạt động và có trụ sở ở khắp nơi trên thế giới. Các biện pháp quản lý thuế truyền thống đang thực hiện với các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân trong nước khó thực hiện, không phù hợp khi áp dụng với các NCCNN…

Để quản lý đầy đủ các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này, Tổng cục Thuế cho rằng, cần có cơ chế quản lý đặc thù, toàn diện hệ sinh thái hoạt động của TMĐT, bao gồm các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT như: chủ sở hữu nền tảng hoạt động TMĐT, các đơn vị logistic, vận chuyển, các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp các dịch vụ về quản lý tài chính, quản lý hệ thống CNTT, các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT... Chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

Cần quy định cụ thể về xác định doanh thu, chi phí phù hợp với đặc điểm của kinh doanh TMĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam có phát sinh giao dịch với NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định, đặc biệt là cá nhân nước ngoài không cư trú tại Việt Nam thì cần có phương thức quản lý thuế đặc thù, đảm bảo việc kê khai, nộp thuế kịp thời theo lần phát sinh và áp dụng điện tử hoàn toàn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát và làm giàu CSDL TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT như: các chủ sở hữu nền tảng trong nước và ngoài nước, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại,... Trên CSDL thu thập được, ngành Thuế sẽ tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

TS. TRẦN TRUNG KIÊN - ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH: Thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên trong quản lý thuế

Sự linh hoạt và tiện lợi trong thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng, mà còn cho phép doanh nghiệp mở rộng quy mô và đa dạng hoạt động kinh doanh, dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, điều này lại làm phức tạp hơn quá trình quản lý thuế, khó kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT cũng không đơn giản. Vì vậy, việc luật hóa quyền, trách nhiệm cũng như thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên trong quản lý thuế là rất quan trọng.

PGS.TS PHẠM KHÁNH NAM - HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG KINH TẾ - ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH: Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý thuế hiệu quả

Xu hướng chuyển đổi số làm thay đổi cách thức tiêu dùng của người tiêu dùng và cách thức doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, mô hình quản lý thuế truyền thống đang dần trở nên "chậm nhịp" trước các hình thức kinh doanh mới.

Để quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đúng đối tượng nộp thuế, kiểm soát hết giao dịch kinh doanh TMĐT, theo dõi và giám sát các dòng tiền trong kinh doanh trực tuyến…, về hành lang pháp lý, cần sớm sửa đổi quy định không miễn thuế khâu nhập khẩu đối với giao dịch nhập khẩu giá trị thấp hơn 1 triệu đồng/ngày; sửa đổi điều khoản cơ sở tính thuế phù hợp với điều kiện kinh tế số; sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; quy định trách nhiệm khấu trừ tại nguồn của sàn giao dịch TMĐT trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT là sàn cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc trực tiếp tham gia vào khâu giao nhận hàng hóa…

Tuấn Nguyễn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-dien-tu-dong-gop-nguon-thu-quan-trong-cho-ngan-sach-151298-151298.html