Thương người bệnh như chính bản thân mình

Họ là những bác sĩ đang công tác ở các trạm y tế xã của huyện Gio Linh. Với tình yêu thương và trách nhiệm với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, các bác sĩ đã hết lòng phục vụ bệnh nhân, thương bệnh nhân như chính bản thân mình.

 Bác sĩ Trần Thị Bích Nga bộn bề với công việc -Ảnh:T.L

Bác sĩ Trần Thị Bích Nga bộn bề với công việc -Ảnh:T.L

Những cuộc gọi lúc nửa đêm...

Những ngày cuối tháng 2, cơn rét đậm nhất từ đầu năm đến nay vẫn không ngăn được bước chân của bác sĩ Trần Thị Bích Nga, Phó trưởng trạm, Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Gio Linh, đến với các gia đình không may là F0 tại các khu phố trên địa bàn. Hôm ấy không phải là giờ trực nhưng khi nhận được cuộc điện thoại của một F0 báo gấp đau ngực, khó thở vào lúc 2 giờ sáng, chị Nga vội vàng chạy xe máy từ nhà ở xã Gio Mỹ đến thị trấn Gio Linh để kịp đến thăm khám bệnh. Sự xuất hiện kịp thời của bác sĩ Nga làm cho bệnh nhân yên lòng. Sau khi thăm khám, chẩn đoán, biết F0 đang chuyển nặng, không thể tiếp tục điều trị ở nhà được nữa, chị kịp thời báo cáo với Trung tâm Y tế huyện Gio Linh để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên kịp thời ngay lúc trời chưa sáng. Nhờ sự điều trị tận tình của bệnh viện tuyến trên nên F0 đã lành bệnh và nay sức khỏe đã bình phục.

Đến nhận công tác ở Trạm Y tế thị trấn Gio Linh mới hơn một năm nhưng bác sĩ Nga nhanh chóng nhận được tình cảm, sự tin yêu của người dân ở đây bởi phong cách làm việc gần dân, nhiệt tình và tận tụy, chu đáo của chị. Chị kể, tết Nguyên đán vừa qua chị cũng như các nhân viên còn lại của trạm không có Tết, gần như có mặt 100% tại trạm để kịp thời phục vụ các bệnh nhân, nhiều nhất vẫn là bệnh nhân F0. Trung bình mỗi ngày thị trấn có 6, 7 F0, có ngày đến 10 ca. Việc xác định nguồn lây, lấy mẫu xét nghiệm PCR và phân loại F1 để cách ly cũng chiếm hết thời gian trong ngày. Hôm tôi có mặt tại trạm y tế, chỉ trong một buổi sáng đã có 3 gia đình có người F0 đến khai báo và xin hướng dẫn điều trị bệnh.

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế bị ngắt quãng vì chị Nga phải tranh thủ hướng dẫn người nhà khai báo đúng quy trình sao cho bảo đảm an toàn cũng như liên tục trả lời điện thoại của người dân gọi đến nhờ tư vấn phương pháp phòng ngừa F0. Thị trấn Gio Linh có gần 8.500 nhân khẩu, dân số đông gấp đôi các xã khác nhưng biên chế của trạm y tế chỉ có 6 người, trong lúc đó một người nghỉ sinh nên khối lượng công việc rất nhiều. Dù phụ trách trạm nhưng chị cũng phải cùng anh em đi về từng gia đình F0 để lấy mẫu xét nghiệm cũng như tư vấn sức khỏe cho người dân. Làm việc vất vả suốt ngày, đến bữa cơm cũng không kịp về nhà ăn, phải mua từ ngoài hàng rồi cùng nhân viên kê bàn ăn tạm.

Chị chia sẻ, ngoài những tối trực ở lại cơ quan, nhiều hôm đi lấy mẫu, khám bệnh cho các bệnh nhân về đến nhà đã gần 2 giờ sáng, khi ấy các con đã ngủ say, sáng sớm 6 giờ chị đã đi làm lại thì các con chưa dậy. Chồng làm việc xa, đi sớm nên hai con nhỏ đang học lớp 3 và mẫu giáo chị phải nhờ ông bà nội chăm sóc, đưa đi học cũng như đón về mỗi ngày. Nhiều khi cả chục ngày chồng và các con chị không thấy mặt vợ, mặt mẹ nên con chị đòi ông bà nội đưa đến trạm y tế để thăm mẹ. Gác hết việc nhà lại rồi nhờ ông bà nội các cháu giúp đỡ, chị miệt mài lăn lộn với công việc của mình trong niềm yêu thương, trách nhiệm với người dân. Chị tâm niệm chỉ khi nào sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt thì mình mới yên tâm với công việc.

 Bác sĩ Trương Vĩnh Long dặn dò nhân viên trước khi đi lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân mắc COVID-19 -Ảnh:T.L

Bác sĩ Trương Vĩnh Long dặn dò nhân viên trước khi đi lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân mắc COVID-19 -Ảnh:T.L

Gần gũi với bệnh nhân

Bác sĩ Trương Vĩnh Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Sơn thường đến cơ quan mỗi ngày trên chiếc xe máy cũ. Từ nhà anh đến nơi làm việc hơn chục ki-lô-met nhưng 12 năm qua, kể từ khi được điều về giữ chức vụ trạm trưởng, chưa ngày nào anh đến muộn.

Những ngày này, ngoài việc tập trung phát hiện sớm các F0 và F1 để kịp thời cách ly, điều trị thì công việc khám chữa bệnh cho người dân trong xã vẫn diễn ra bình thường . Đặc biệt, Trung Sơn có tỉ lệ người có công với cách mạng, các gia đình thương binh, bệnh binh khá đông. Những người này ngoài việc được hưởng các chế độ của nhà nước về khám chữa bệnh tại các bệnh viện thì cũng được trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe ban đầu rất tốt. Nắm bắt được tâm lý bệnh nhân, bác sĩ Long luôn khiến các cụ cảm thấy yên tâm khi đến thăm khám. Nhiều khi không phải ca trực của mình, bác sĩ dặn nhân viên chú ý chăm sóc từng chi tiết, lắng nghe và chia sẻ những yêu cầu nhỏ nhất của người dân khi đến với trạm.

Xã Trung Sơn có hơn 5.000 nhân khẩu trải dài trên 4 thôn với địa hình khá rộng. Thế nhưng với trạm trưởng Trương Vĩnh Long, hầu như gia đình bệnh nhân nào trong các thôn anh đều biết. Tranh thủ thời gian cuối mỗi ngày, anh còn đến tận nhà các bệnh nhân lành bệnh để kiểm tra, thăm khám cũng như nhắc nhở các phương pháp bảo vệ sức khỏe. Anh chia sẻ, làm bác sĩ ở làng, xã không chỉ điều trị bệnh cho người dân ở trạm y tế, mà phải cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ cả khi được trở về nhà. Sự gần dân của bác sĩ Long cũng như cộng sự luôn được mọi người tin yêu.

Bác sĩ của bản làng

Hình ảnh khiến tôi rất ấn tượng khi gặp bác sĩ Hồ Trung Ương, người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Phó trưởng Trạm Y tế xã Linh Trường, là sự gần gũi, chan hòa. Người dân gọi anh là bác sĩ của thôn bản. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế, bác sĩ Hồ Trung Ương được phân công về công tác tại trạm y tế quê nhà cho đến nay hơn mười năm. Ngần ấy thời gian làm việc, anh đã dốc hết trí tuệ, sức lực, tâm huyết của mình để chăm sóc, chữa bệnh cho người dân.

Hôm tôi có mặt tại Trạm Y tế xã Linh Trường, bác sĩ Ương vừa trở về sau khi xuống các thôn vận động mọi người thực hiện nghiêm việc phòng, chống COVID-19 theo quy định. Người dân ra đường phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm chỉnh 5K. Anh đến từng nhà động viên người dân đăng ký vào danh sách tiêm vắc xin phòng dịch. Khi người dân đồng ý đăng ký tiêm vắc xin, bác sĩ tiếp tục in các thông tin cần biết để tuyền thông như người dân phải khai báo chính xác bệnh trước khi tiêm; theo dõi phản ứng cơ thể sau khi tiêm… Nhờ sự tận tuy của bác sĩ Hồ Trung Ương nên công tác tiêm vắc xin ở xã Linh Trường đạt tỉ lệ cao. Các ca bệnh xuất hiện trên địa bàn sớm được khống chế.

 Bác sĩ Hồ Trung Ương thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Hồ Trung Ương thăm khám cho bệnh nhân

Nhắc đến công tác y tế ở xã Linh Trường hẳn nhiều người nhớ đến trận dịch bệnh bạch hầu tại thôn Sông Ngân vào tháng 8/2020 với 9 ca dương tính. Lúc ấy, trạm y tế đã thiết lập khu cách ly tập trung điều trị dưới sự khám chữa bệnh trực tiếp của bác sĩ Hồ Trung Ương cho đến khi các bệnh nhân có kết quả âm tính. Là xã miền núi, có gần 100% người dân tộc thiểu số Vân Kiều nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Song nhờ sự tận tâm của bác sĩ Hồ Trung Ương cùng với đội ngũ cán bộ y tế của xã nên sức khỏe của người dân nơi đây luôn được bảo vệ an toàn trước tình hình COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Suốt những năm qua, đội ngũ thầy thuốc y tế của huyện Gio Linh luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe Nhân dân, phấn đấu xứng đáng với lời Bác dạy: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Không chỉ có các bác sĩ nói trên mà ở huyện Gio Linh còn nhiều bác sĩ cơ sở tiêu biểu. Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của huyện đang dốc sức tập trung làm việc với cường độ cao hơn trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165211&title=thuong-nguoi-benh-nhu-chinh-ban-than-minh