Thường trực Tỉnh ủy bàn giải pháp, cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ

Sáng 9-8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị bàn chủ trương, giải pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và cho ý kiến về cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ lụt.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa
Sẻ chia cùng với người dân vùng lũ

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo tổng hợp của UBND tỉnh, đợt mưa lũ từ ngày từ ngày 1 đến ngày 4-8-2019 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Lũ lụt đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; hơn 1.698 ngôi nhà bị ngập, lũ cuốn trôi, thiệt hại; có 1 trường học bị sập hoàn toàn, 35 điểm trường bị hư hỏng, 25 phòng học, phòng chức năng công vụ bị thiệt hại và 10 nhà văn hóa bị sập, hư hỏng. Bên cạnh đó, hơn 2.953ha lúa, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, bị ngập trong nước lũ và thiệt hại một phần; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, một số công trình thủy lợi, thông tin viễn thông, điện lực bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính 734 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Mường Lát phát biểu tại hội nghị.

Với quyết tâm cao độ, ngay trong và sau lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Đáng chú ý, công tác cứu trợ nhân dân vùng cô lập ở 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát được tiến hành kịp thời. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh đã huy động hơn 5.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ và nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị để phối hợp với 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn để tìm kiếm, cứu hộ người dân bị nạn; Lữ đoàn công binh 414, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương lắp ghép cầu phao dã chiến bắc qua sông Luồng vào bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) để vận chuyển hàng hóa, cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Sở Giao thông Vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố tại các khu vực bị sạt lở. Đến chiều ngày 7-8, đã thông tuyến Quốc lộ 15C, bảo đảm giao thông đến trung tâm huyện Mường Lát. Những điểm sạt lở, ách tắc còn lại trên Quốc lộ 16, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới đang được triển khai khắc phục, bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Công tác khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ được tiến hành khẩn trương, với sự tham gia hỗ trợ của nhiều lực lượng, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương. Bên cạnh sự hỗ trợ, thăm hỏi ban đầu của tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, Hội chữ thập đỏ tỉnh đã kịp thời hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân bị lũ lụt ở 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sửa chữa, khắc phục các công trình nhà cửa bị hư hại.

Lãnh đạo huyện Quan Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, với sự gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến, lãnh đạo các sở, ngành và 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn đã tập trung thảo luận bàn giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất. Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về việc khảo sát, quy hoạch điểm tái định cư cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà; các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế; giải pháp về thủ tục hành chính, nguồn kinh phí để xây dựng trường học, nhà văn hóa, khôi phục hạ tầng giao thông...

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, điều hành ứng phó với cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ đến nay tương đối tốt. Đáng chú ý, các ngành, các cấp, đặc biệt là 2 huyện Mường Lát và Quan Sơn đã thực hiện tốt chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong công tác ứng phó với tình hình mưa lũ. Thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, biểu dương các ngành, các cấp, các lực lượng vũ trang đã chủ động, tích cực ứng phó và xử lý có sáng tạo các tình huống trong quá trình khắc phục hậu quả lũ lụt.

Với tinh thần khẩn cấp trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tìm kiếm người mất tích. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc. Thực hiện tìm kiếm cho đến khi thấy đủ người mất tích thì mới dừng.

Song song với đó, cần bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng lũ, tuyệt đối không để người dân bị đói. Tất cả lương thực, nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm hỗ trợ, 2 huyện Mường Lát phải có phương án phân chia, bảo quản phù hợp.

Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng và cấp bách là tìm địa điểm tái định cư, làm nhà ở cho người dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành, các địa phương tập trung cao, huy động lực lượng, quyết tâm đến ngày 30-11 phải có nhà mới cho người dân, với tinh thần “nhà làm xong phải tốt hơn nhà bị lũ cuốn trôi”. Trong đó, việc tìm địa điểm tái định cư đến ngày 12-9 phải xong, địa điểm tái định cư phải bảo đảm an toàn cho người dân về lâu dài và hạn chế san lấp, dựa vào điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ thưỡng. Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến việc làm nhà, việc quy hoạch chi tiết phải xong vào ngày 18-8, thiết kế nhà phải xong vào ngày 25-8. Nhà ở tái định cư của người dân cần có thiết kế phù hợp với đặc điểm về truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, tinh thần của quy hoạch và xây dựng khu tái định cư là hoàn thiện được bản nào phải bảo đảm đầy đủ các cơ sở hạ tầng thiết yếu: Điện đường, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, điểm trường… và cơ bản đáp ứng các tiêu chí của bản nông thôn mới. Nguồn kinh phí cho hạ tầng lấy từ kinh phí dự phòng của tỉnh. Đồng thời, giao cho các huyện đứng ra chỉ đạo điều hành các công việc liên quan đến xây dựng khu tái định cư và làm nhà cho người dân; làm chủ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà văn hóa. Sau khi lập xong quy hoạch, các huyện cần chỉ đạo đưa nguyên vật liệu vào địa điểm xây dựng, có như vậy mới bảo đảm tiến độ đề ra.

Đối với công tác khôi phục hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý phù hợp với từng đoạn, tuyến đường bị hỏng, nhanh chóng trả lại hiện trạng như trước khi xảy ra thiên tai. Theo đó, đến ngày 30-9 phải hoàn thành cơ bản bước 1 gồm: Dọn dẹp, lu phẳng nền đường các điểm xảy ra hư hỏng, sạt lở. Về đê điều, kè cống và nước sinh hoạt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho thành lập các tổ công tác phối hợp với 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát lên thực địa rà soát, tổng hợp, tính toán kinh phí. Trong đó, cần đề xuất xử lý ngay đối với những công trình khẩn.

Bên cạnh đó, các huyện cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay khắc phục những công trình hạ tầng nông thôn bị hư hỏng. Giao UBND tỉnh khảo sát, tính toán các công trình xây dựng mới tại các điểm tái định cư. Trong đó, nghiên cứu làm cầu qua sông Luồng vào bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn).

Về chính sách hỗ trợ cho người dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu, các huyện phải có phương án bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là bản Sa Ná. Các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các huyện để tư vấn, thẩm định phương án đó. Tinh thần là “người dân phải có đất, cuộc sống phải đầy đủ về đi lại, học tập, y tế…”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, về cơ bản giữ nguyên theo thông báo của Tỉnh ủy và quyết định của UBD tỉnh. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ làm nhà thống nhất mức hỗ trợ theo yêu cầu của nhà tài trợ. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, mức tăng do UBND quyết định. Về nguồn kinh phí, lấy trong dự phòng ngân sách tỉnh, ưu tiên ứng ngay cho các huyện để xây dựng hạ tầng tái định cư. Trong tổ chức thực hiện các công việc khắc phục hậu quả lũ lụt, giao cho đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và thực hiện chế độ báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy 1 tuần/lần. Ban Thường vụ huyện ủy 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn tổ chức họp phân công cán bộ xử phối hợp với các ngành để tổ chức thực hiện công tác khắc phục, với quyết tâm chính trị cao nhất. Giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh là đơn vị tiếp nhận nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền về tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt, công tác hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, nhà hảo tâm đối với đồng bào vùng chịu thiệt hại do lũ lụt.

Trần Thanh

Tin liên quan:

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa

Sẻ chia cùng với người dân vùng lũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/thuong-truc-tinh-uy-ban-giai-phap-co-che-chinh-sach-khoi-phuc-san-xuat-on-dinh-doi-song-nhan-dan-vung-bi-thiet-hai-do-lu/105844.htm