Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà ngày đầu năm
Ngày 10 và 11/2, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng do đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu đi kiểm tra tuyến du lịch sinh thái lên đỉnh Bidoup thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà ngày đầu năm 2022.
Tham dự đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm: K’ Mák - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Bùi Thắng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S. Cùng đi còn có lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn Phòng Tỉnh ủy, Công an tỉnh và hơn 20 cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Trong quá trình đi kiểm tra thực tế quãng đường trải nghiệm lên đỉnh Bidoup cao 2.287 m, khám phá cây cổ thụ Pơ Mu 1.300 năm tuổi trên tuyến đường mòn dài 17 km, ông Nguyễn Lương Minh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà báo cáo nhanh tới Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác một số kết quả trong quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là tiềm năng phát triển tuyến du lịch sinh thái bền vững của Vườn Quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động thời gian vừa qua.
Với diện tích rộng 70.000 ha, khoảng 66.000 ha vùng lõi với 91% diện tích được thảm rừng nguyên sinh che phủ, năm 2019, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN, được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học Việt Nam và một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Vườn Quốc gia chủ yếu là rừng nguyên sinh với gần 2.000 loài thực vật; trong đó, có tới 62 loài xếp vào hạng quý hiếm như: Thông đỏ, Pơ mu, Thông hai lá dẹp, Bách xanh…
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng kết quả khai thác các tour du lịch sinh thái vẫn còn ở mức hạn chế. Riêng trong năm 2021, gần như các tuyến du lịch sinh thái của Vườn đều tạm thời ngưng trệ do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và mới mở lại đón du khách ở mức hạn chế từ đầu năm 2022. Hiện, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đang điều chỉnh, xây dựng mới Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.
Quá trình đi thực tế hiện trường trên tuyến Bidoup, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà trong công tác giữ rừng, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá của rừng. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh điểm nhấn của Vườn Quốc gia là có đỉnh Bidoup cao 2.287 m, là “nóc nhà” của Nam Tây Nguyên với thảm thực vật, động vật phong phú, có nội lực phát triển du lịch sinh thái to lớn, không thua kém các vườn quốc gia hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, du lịch sinh thái của Vườn thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát chỉ đón trung bình khoảng 10.000 khách/năm với các tuyến khai thác nhỏ lẻ, hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất các phương hướng, tầm nhìn một số đề án từ lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh xem xét nhằm phát triển Vườn Quốc gia với các tuyến du lịch sinh thái bền vững, có điểm nhấn, xứng tầm theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Nhân dịp kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tuyến Bidoup - Núi Bà ngày đầu năm, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thăm hỏi, tặng các phần quà cho cán bộ, nhân viên, kiểm lâm cùng các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đồng thời, do đang trong mùa khô, một số đồi thông còn nhiều cỏ tranh dễ cháy nên lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu lực lượng kiểm lâm, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như tăng cường tuần tra để phát hiện sớm, kịp thời các vụ vi phạm lấn chiếm, phá rừng.