Thương vụ S-400 thách thức quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Nga bàn giao các lô thiết bị trong hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi.

Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ “quay lưng” với đồng minh, “kết thân” với Nga? Ảnh: National Interest

Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ “quay lưng” với đồng minh, “kết thân” với Nga? Ảnh: National Interest

Bất đồng giữa hai nước liên quan đến thương vụ này đang đe dọa sự gắn kết cần thiết giữa hai đồng minh trong NATO.

Thương vụ gây “bão”

Thương vụ mua hệ thống S-400 từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ một bối cảnh phức tạp. Trong một thập kỷ, Ankara luôn cố gắng sở hữu hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ nhưng không thành công. Lý do là vì mức giá mà Washington đưa ra bị Ankara cho là quá đắt đỏ. Kết quả là, Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm kiếm sự thay thế từ các nước châu Âu, trong đó có Italy, cũng như mua một hệ thống tên lửa đến từ Trung Quốc vào năm 2013. Nhưng sau cuộc bạo loạn nhằm vào Tổng thống Erdogan hồi năm 2016, Ankara càng đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm một hệ thống phòng không hiệu quả.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh. Moskva và Ankara đã ký thỏa thuận cho vay để cung cấp các hệ thống tên lửa này hồi tháng 12.2017, trị giá 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, thương vụ S-400 trên lại luôn là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ mấy tháng qua, Mỹ đã cố gắng ngăn chặn thỏa thuận trên và nhiều lần cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho máy bay chiến đấu F-35 và "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này. Ngoài ra, Mỹ lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào hệ thống phòng thủ của mình, Nga có thể có được các dữ liệu nhạy cảm về máy bay F-35, máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới của Mỹ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cần phải có S-400 cho mục đích phòng thủ chiến lược, trên hết là giữ an ninh biên giới phía Nam với Syria và Iraq. Nước này khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại nước này và không có liên hệ với F-35, đồng thời thể hiện quyết tâm theo đuổi hợp đồng với Nga.

Ngày 12.7.2019, ba máy bay vận tải của Nga đã bắt đầu chuyển những lô thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới căn cứ không quân Murted ở gần Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó một ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận Nga tiếp tục gửi một lô hàng thiết bị phòng không tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tối 14.7, Nga công bố video cho biết lô linh kiện thứ 5,6 và 7 đã được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 14.7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng xác nhận đã cử 100 chuyên gia tới Nga để tham gia huấn luyện cách vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Thách thức quan hệ đồng minh

Với việc nhận hệ thống phòng thủ S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy bước đi cứng rắn trong việc tự chủ vũ khí, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ mua S-400 của Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh với Mỹ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có chiều hướng xấu đi kể từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Tổng thống Erdogan cáo buộc có bàn tay của Mỹ trong vụ đảo chính “hụt” nhắm vào ông. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai đồng minh trong khối NATO không còn thân thiết như trước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Mỹ trong các thương vụ mua vũ khí cũng như vấn đề người Kurd tại Syria.

Mặt khác, ông Erdogan cũng được cho là không hài lòng khi trước đó ông đã đề xuất cung cấp hệ thống phòng thủ Patriot nhưng bị Mỹ phớt lờ. Việc bị phớt lờ khi đề xuất Mỹ cung cấp cho hệ thống Patriot và việc Mỹ tiếp tục trợ giúp người Kurd (lực lượng đang là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ) là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi thương vụ S-400 với Nga.

Thế nhưng, thương vụ S-400 được đánh giá là đã gây “bão” trong quan hệ hai nước. Nhằm ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thời hạn đến ngày 31.7.2019 để Ankara từ bỏ thương vụ này, nếu không sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế có thể gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang suy yếu. Ngày 28.6, Thượng viện Mỹ cũng đã cấm bán F-35 cho Ankara. Trước đó, vào đầu tháng 6, Mỹ cũng đã tạm ngừng huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ và ra điều kiện rằng, nếu Ankara vẫn quyết định mua S-400 của Nga, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đuổi về nước vào ngày 31.7. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi hợp đồng với Nga, tạo ra một thách thức chưa từng có đối với NATO và Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, lý do “S-400 có thể gây tổn hại cho hệ thống F-35” mà Mỹ đưa ra chỉ là cái cớ. Thực chất, Mỹ và NATO quyết ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga là vì e ngại hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo tiền lệ tai hại cho NATO và Mỹ từ bên trong cũng như khiến Mỹ bị tổn hại cả về thể diện lẫn uy thế trên thế giới.

Trong khi đó, đánh giá về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích cho rằng, rõ ràng việc tiếp nhận thành công S-400 từ Nga đã làm cho uy tín của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tăng lên ở trong nước bởi ông đã chứng tỏ được sự độc lập, tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Những kịch bản Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà quan sát cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 có thể khiến nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), bất chấp việc mới đây, sau cuộc gặp song phương bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6, Tổng thống Erdogan đã khẳng định, Mỹ sẽ không áp đặt trừng phạt đối với Ankara. Bởi tại cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ Trump đã đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama về việc không thể hoàn tất thương vụ bán hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara phải quay sang phương án mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Trump thì khẳng định thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ “rõ ràng là có vấn đề” và “không tốt”, song ông Trump cũng đã nhấn mạnh rằng ông muốn việc này được giải quyết mà không ảnh hưởng quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cũng cho biết các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được thảo luận.

Ngày 14.7, các nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump đã đề ra 3 gói trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì tiếp nhận tên lửa S-400 của Nga. Tổng thống Trump có thể sẽ chọn một trong 3 gói trừng phạt này và thông báo trong vài ngày tới. Theo giới phân tích, Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo các phương án:

Thứ nhất là cấm bán các vũ khí, trang bị của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như ngừng bàn giao cho nước này các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp hàng tỷ USD cho quá trình phát triển trong khuôn khổ chương trình đa quốc gia về “Chế tạo máy bay chiến đấu liên hợp” (JFS).

Thứ hai là đình chỉ hợp tác quân sự giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ, rút các lực lượng quân sự của khối này về nước hoặc di chuyển sang các nước khác. Từ lâu Mỹ đã khảo sát các căn cứ quân sự ở các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar, hoặc các quốc gia ven biển Địa Trung Hải như Hy Lạp và đảo Síp để tính đến phương án di chuyển lực lượng không quân NATO ra khỏi căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một số lực lượng NATO khác và những hệ thống phòng không Patriot của NATO cũng sẽ bị rút khỏi lãnh thổ nước này.

Thứ ba là khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng dường như Mỹ cũng hiểu rằng đến thời điểm này, chỉ có đe dọa áp đặt phương án 3 với kịch bản tồi tệ nhất mới có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải “quay đầu” hủy bỏ hợp đồng mua S-400 Triumph của Nga.

Tuy nhiên, phương án trên cũng được xem như “con dao hai lưỡi” bởi nếu thực thi không khéo thì biện pháp này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ bỏ luôn NATO và quay sang mua thêm các hệ thống vũ khí khác của Nga như máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi Su-57 để thay thế cho F-35 Lightning II./.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/thuong-vu-s-400-thach-thuc-quan-he-dong-minh-my-tho-nhi-ky-112757