Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chuyến thăm tới Stockholm nói rằng đã đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao các tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển cho nước này.
Đây là thông tin vô cùng quan trọng bởi theo nhận xét từ nhiều chuyên gia quân sự, chiến đấu cơ hạng nhẹ do Thụy Điển sản xuất sở hữu rất nhiều ưu điểm vượt trội khi đặt cạnh những chiếc MiG-29 và Su-27 sản xuất từ thời Liên Xô.
Đầu tiên, JAS-39 Gripen có thể cất hạ cánh từ đường giao thông, yêu cầu cơ sở hạ tầng rất đơn giản, chi phí hoạt động cực thấp và gần như không phát sinh hỏng hóc trong quá trình chiến đấu.
Hệ thống điện tử hàng không mà JAS-39 Gripen mang theo đều là những loại công nghệ số mới nhất, khác hẳn với việc sử dụng thiết bị analogue đã hàng chục năm tuổi trên chiến đấu cơ thời Liên Xô của Ukraine.
Chiến đấu cơ do Thụy Điển sản xuất có khả năng tích hợp những loại tên lửa không đối không tốt nhất thế giới hiện nay như Meteor chuyên đánh tầm xa, hay IRIS-T phục vụ không chiến trong tầm nhìn.
Quan trọng nhất, JAS-39 Gripen là chiếc tiêm kích hạng nhẹ rất linh hoạt, được Stockholm thiết kế nhằm "đặc trị" những chiến đấu cơ hạng nặng của Liên Xô/Nga như Su-35S hay Su-30SM, vì vậy chúng là phương tiện rất cần thiết đối với Không quân Ukraine.
Mặc dù vậy, Thụy Điển mới đây cho biết họ chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các tiêm kích JAS-39 Gripen. Điều này đã được tuyên bố bởi Thủ tướng Ulf Christenson, khi nói rằng toàn bộ phi đội với quy mô như hiện tại là cần thiết để đảm bảo an ninh.
"Tất cả các máy bay chiến đấu mà Thụy Điển có sẵn đều đang trong tình trạng hoạt động tích cực và chúng tôi chưa có kế hoạch chuyển giao chúng", Thủ tướng Christenson nhấn mạnh.
Đây là thông tin ít nhiều gây thất vọng cho Kyiv, nhưng theo tờ báo Svenska Dagbladet của Na Uy, họ cho rằng Lực lượng vũ trang Ukraine không nên đặt quá nhiều hy vọng vào chiến đấu cơ phương Tây.
Ấn phẩm trích dẫn lời Phó Giáo sư Khoa Khoa học Quân sự thuộc Học viện Quốc phòng Na Uy - ông Arash Pashahanlow, người chắc chắn rằng tính toán của Ukraine về tiêm kích phương Tây như F-16 của Mỹ hay JAS-39 Gripen sẽ không thành hiện thực.
"Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chiếm ưu thế trên không rất quan trọng. Nhưng đừng nghĩ Ukraine sẽ thắng lợi chỉ vì có được F-16. Tương tác với lực lượng mặt đất sẽ mang tính quyết định", ông Pashakhanlow giải thích.
Theo nhận xét, ngay cả khi một số máy bay chiến đấu Mỹ được gửi đến Ukraine, Kyiv vẫn chưa thể có được ưu thế trên không. Ngoài ra nếu những trận không kích do F-16 thực hiện vượt qua biên giới có thể trở thành yếu tố gây bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Về vấn đề này, theo Phó Giáo sư Arash Pashahanlow, việc Thụy Điển chuyển giao máy bay Saab JAS-39 Gripen cho Kyiv dường như khó xảy ra, ít nhất là trong khoảng thời gian trước mắt.
Nhưng bên cạnh đó, có ý kiến khác cho rằng việc Thụy Điển chưa sẵn sàng viện trợ tiêm kích JAS-39 Gripen cho Ukraine vào lúc này không đồng nghĩa với Stockholm sẽ tiếp tục từ chối trong tương lai, khi tiền lệ với F-16 Fighting Falcon chính là ví dụ rõ nhất.