Tỉ giá USD tăng nóng tác động thế nào đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu?

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đối mặt với chi phí sản phẩm tăng, gây khó trong duy trì lợi nhuận khi tỉ giá USD tăng cao. Do đó, doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ lợi ích và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

"Khách mua hàng phụ thuộc vào nhu cầu hơn là giá cả"

Thời gian gần đây, tỉ giá USD/VND liên tục biến động đã gây ra áp lực không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu.

Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỉ giá tăng có thể mang lại lợi ích nhất định khi giá trị sản phẩm thu về tăng lên. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro, khi những biến động về tỉ giá có thể làm giảm sức mua của khách hàng ở thị trường nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn, khi giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến khả năng duy trì lợi nhuận và cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các phương án dự phòng nhằm ứng phó với tình hình này, từ việc cân nhắc lại kế hoạch nhập khẩu đến việc sử dụng các công cụ tài chính như bảo hiểm tỉ giá hay hợp đồng tương lai.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên Trang chuyên về xuất khẩu hạt điều chia sẻ, tỉ giá biến động tạo ra ảnh hưởng hai chiều đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong kế hoạch kinh doanh.

tỉ giá tăng khiến nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn, nhất là đối với nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng về lợi nhuận cho công ty.

tỉ giá tăng khiến nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn, nhất là đối với nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng về lợi nhuận cho công ty.

Với mảng xuất khẩu, tỉ giá tăng là cơ hội tăng lợi nhuận, do số tiền quy đổi từ ngoại tệ về VND cao hơn. Ngược lại, mảng nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn, nhất là đối với nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng về lợi nhuận cho công ty. Đây là điều mà đa số doanh nghiệp nhập khẩu đều đối mặt.

Ông Phước cho biết, giá tăng đẩy chi phí mua hàng tăng lên, chi phí khác đi kèm như vận chuyển hàng hóa cũng tăng khiến giá hàng nhập về tăng, giảm lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp tính toán không kỹ thì dễ bị thua lỗ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể vì tỉ giá tăng mà thay đổi quy mô hay kế hoạch kinh doanh, bởi các hoạt động nhập khẩu đã được dự phòng rủi ro tỉ giá tăng thông qua các quỹ dự phòng rủi ro.

"Hiện nay, ngoài việc giảm thiểu rủi ro tỉ giá bằng việc cân đối các khoản dự phòng và nhờ sự hỗ trợ từ phía khách hàng, chúng tôi giảm thiểu tác động của tỉ giá bằng nhiều biện pháp như sử dụng gói bảo hiểm tỉ giá hay hợp đồng giao dịch mua bán ngoại tệ kỳ hạn", ông Phước cho biết.

Bà Đào Xuân Mai, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu và Thương mại Minh Khang cho biết, trong bối cảnh hiện tại, hoạt động nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động tỉ giá.

Thực tế, quyết định mua hàng của khách hàng chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu của họ hơn là giá cả. Dù tỉ giá USD có tăng và làm tăng giá thành sản phẩm, nhưng nếu nhu cầu của khách vẫn cao, thì sự tăng giá này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Bà Mai cũng cho biết, tác động của biến động tỉ giá đối với hoạt động nhập khẩu không đồng đều mà phụ thuộc nhiều vào từng loại hàng hóa và nhu cầu cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

"Đơn vị chúng tôi nhập khẩu máy may công nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất của các xưởng gia công, ít chịu ảnh hưởng từ biến động tỉ giá. Một số đơn vị nhập khẩu mặt hàng phổ thông hơn thì sẽ dễ có sự so sánh, cạnh tranh về giá cả hơn", bà Mai nói.

Doanh nghiệp nhập khẩu đã đi qua chu kỳ chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi tỉ giá

Đánh giá về tác động của tỉ giá đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh cho rằng việc tỉ giá tăng có lợi cho xuất khẩu nhưng lại gây bất lợi cho nhập khẩu. Các doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn để chuyển đổi sang USD, làm gia tăng chi phí nhập hàng.

Theo ông Linh, việc tỉ giá tăng/giảm đột ngột dễ khiến doanh nghiệp nhập khẩu rơi vào thế bị động do chủ yếu là mua giao ngay, trong khi tại thời điểm đó, tỉ giá đã tăng so với trước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro do việc biến động tỉ giá gây ra bằng cách trang bị kiến thức về thị trường phái sinh. Doanh nghiệp có thể tiến hành thực hiện hợp đồng mua vào một thời điểm tương lai, với một mức giá được xác định trước đó để chủ động ứng phó với biến động tỉ giá.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, việc tăng giá USD sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và dự kiến trong quý IV/2024.

Ngược lại, hoạt động nhập khẩu sẽ chịu áp lực lớn hơn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm đã chuẩn bị đủ nguyên liệu sản xuất cho các đơn hàng. Chu kỳ nhập khẩu sẽ quay trở lại vào năm sau, nhưng khi đó, FED đã có đủ thời gian để giảm lãi suất cũng như áp lực về khoảng cách giữa lại suất tiền USD và VND được thu hẹp, tỉ giá sẽ quay trở lại đà giảm dài hạn.

Theo ông Minh, nhập khẩu thông thường sẽ rơi mạnh vào đầu năm để phục vụ cho các đơn hàng trong năm đó. Như vậy, nhập khẩu đã đi qua chu kỳ chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi tỉ giá.

Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta.

Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta.

Lý giải về đà tăng của USD, ông châu Đình Linh nhận định, mỗi khi đến cuối năm, chu kỳ tăng giá thường diễn ra trong nền kinh tế do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Điều này tạo áp lực lên cầu ngoại tệ.

Nhu cầu ngoại tệ hiện tại lại phụ thuộc nhiều vào đồng USD, dẫn đến áp lực tăng tỉ giá là điều bình thường. Đồng thời, động thái bơm hút tiền VND của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng là yếu tố tác động đến tỉ giá.

Ông Nguyễn Thế Minh thì cho rằng nguyên nhân khiến tỉ giá tăng là do gần đây, đồng USD đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng cao.

Thứ hai là việc thâm hụt ngân sách của Mỹ đang gia tăng, khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng trú ẩn vào đồng bạc xanh, tạo áp lực lên tỉ giá và làm tăng sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND.

Ngoài ra, cuối năm thường là thời điểm nhu cầu về USD tăng cao, đặc biệt từ các doanh nghiệp đang cần ngoại tệ để thanh toán cho các nguồn nhập khẩu phục vụ sản xuất. Điều này đã vô tình kéo áp lực tỉ giá tăng lên.

Theo ông Minh dự báo, mặc dù áp lực tăng tỉ giá vẫn còn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp để can thiệp như phát hành tín phiếu để hút tiền về nhằm ổn định tỉ giá.

Nên có thể tỉ giá sẽ tăng nhưng chỉ dao động quanh mức đỉnh cũ là 25.500 đồng/USD. Dù chưa đánh giá được hết rủi ro, có những yếu tố gây áp lực trong ngắn hạn, nhưng ông Minh đặt ra kỳ vọng, chính sách tiền tệ nới lỏng từ FED trong tương lai có thể sẽ giúp đồng USD giảm nhiệt, giảm áp lực về tỉ giá.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ti-gia-usd-tang-nong-tac-dong-the-nao-den-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-204241027181241255.htm