Tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực

Trong vòng 10 năm (2010-2020) tốc độ tăng tỉ lệ đô thị hóa bình quân ở nước ta là 2,75%. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất tại 2 vùng kinh tế- xã hội quan trọng là Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ.

Ngày mai, 18/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp, quán triệt và triển khai Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết 06). Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì. Đồng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Thực ra, vấn đề phát triển đô thị luôn được quan tâm trong các văn kiện ĐH Đảng, kể từ ĐH Đảng lần thứ IV đến nay; nhưng, đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam. Đề án này do Ban Kinh tế Trung ương xây dựng và tham mưu cho Bộ Chính trị.

Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, nước ta có tổng số 862 đô thị, tăng 114% so với 2010; các chuỗi, chùm đô thị được hình thành và phân bố hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội của cả nước. Việc xây dựng và phát triển các đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị thông mình đã từng bước được quan tâm. Hai vùng đô thị lớn cũng là 2 đầu tàu kinh tế: thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của quốc gia, đóng vai trò là các cực tăng trưởng chủ đạo.

Bản đồ quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc 2020-2030- Ảnh: Internet

Bản đồ quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc 2020-2030- Ảnh: Internet

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu đánh giá một cách sòng phẳng thì, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam chưa đạt được như chiến lược đề ra và còn thấp so với nhiều quốc gia khác. Và phải mất 20-30 năm mới đạt được trung bình chung của các nước trong khu vực.

Hạn chế khác, đó là, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị mới theo chiều rộng là chủ yếu- điều này gây lãng phí về đất đai. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị.

Trao đổi về vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, TS. Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 06 nhấn mạnh và đặt ra yêu cầu hoàn thiện các thể chế quy hoạch đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch hài hòa giữa chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị mới. Sở dĩ nói vậy bởi, “thời gian qua, nhiều địa phương tập trung xây dựng mà quên tái thiết. Quá trình thực tiễn phát triển cho thấy ta chưa khai thác tốt nguồn lực đất đai cho phát triển đô thị”, TS Hiển nói.

Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị còn đưa ra các mục tiêu tổng quát khác như phải phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của đô thị. Đưa kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh. Nâng chất lượng sống ở đô thị lên mức cao.

Nghị quyết đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%; đến 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến 2025 khoảng 950-1000 đô thị; đến 2030 con số này tăng lên 1000-1200… Tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta thuộc nhóm trung bình cao của ASEAN và châu Á. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

Để đạt được điều này, theo ông Hiển, Nghị quyết 06 đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có nhóm thể chế, chính sách đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc… có nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; có nhóm giải pháp phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới…

Sau hội nghị quán triệt Nghị quyết 06, đầu tháng 6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sẽ tổ chức Diễn đàn Phát triên bền vững đô thị Việt Nam. Diễn đàn được các nhà tổ chức kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn để thu nhận kinh nghiệm thế giới và Việt Nam về phát triển các mô hình đô thị hiện đại, góp phần làm sáng rõ các quan điểm của Nghị quyết 06; từ đó giúp các địa phương trong quá trình xây dựng chiến lược, mục tiêu phát triển đô thị tại địa phương mình. Diễn đàn sẽ có sự tham dự trực tuyến của các nhà quản lý, chuyên gia tại 872 đô thị trên cả nước với khoảng 2000 đại biểu.

M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ti-le-do-thi-hoa-cua-viet-nam-con-thap-so-voi-nhieu-nuoc-trong-khu-vuc-5686581.html