Tích cực chuẩn bị cho hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2023

Những ngày qua, các hòa giải viên cơ sở trong tỉnh đã chủ động tìm hiểu, cập nhật kiến thức pháp luật, tích cực luyện tập, trau dồi kỹ năng để sẵn sàng tham gia hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh (gọi tắt là Hội thi) diễn ra vào ngày 19/8/2023.

Đội tuyển Hòa giải viên thành phố Ninh Bình tập luyện tiểu phẩm.

Đội tuyển Hòa giải viên thành phố Ninh Bình tập luyện tiểu phẩm.

Anh Phạm Ánh Dương, hòa giải viên phường Nam Thành, thành viên đội tuyển Hòa giải viên thành phố Ninh Bình cho biết: Sau khi được lựa chọn là 1 trong những thành viên chính thức của Đội tuyển Hòa giải viên giỏi thành phố Ninh Bình, tôi đã tìm hiểu rất kỹ thể lệ Hội thi.

Để phần chào hỏi tạo ấn tượng với khán giả và Ban giám khảo, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về kỹ năng đóng kịch, múa, diễn xuất, tạo gắn kết các thành viên trong Đội để thể hiện tiết mục tham gia. Sân khấu hóa tình huống diễn ra trong cuộc sống liên quan đến pháp luật như mất đoàn kết xóm làng, mâu thuẫn gia đình, tranh chấp tài sản… là những tình huống được các đội tuyển xây dựng kịch bản gắn với địa phương, đội thi. Do đó, mỗi thành viên trong đội tuyển tham gia dự thi vừa phải trau dồi kỹ thuật sân khấu, vừa phải bổ sung kiến thức hiểu biết pháp luật.

Chị Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Cường, thành viên đội tuyển Hòa giải viên huyện Yên Khánh nói: Bản thân tôi rất phấn khởi nhưng nhận thấy đây là trách nhiệm lớn cần nỗ lực thực hiện tốt. Các thành viên trong đội thi Hòa giải viên giỏi huyện Yên Khánh đã bố trí công việc của bản thân, thống nhất thời gian tập luyện thuần thục nội dung cuộc hòa giải trong tiểu phẩm cũng như nắm chắc kiến thức pháp luật liên quan. Tham gia Hội thi, chúng tôi mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đội thi để có thêm các kiến thức bổ sung vào công việc hòa giải viên của bản thân tại cơ sở tốt hơn.

Hòa giải là một trong những hoạt động rất quan trọng, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hòa giải luôn được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đồng chí Phạm Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Cường (Yên Khánh) cho biết: Việc tổ chức cho đội tuyển của xã đại diện cho huyện tham gia Hội thi được xã quan tâm bằng việc bố trí nhân lực, lựa chọn các thành viên chủ chốt tham gia, bố trí địa điểm tập luyện, động viên các thành viên trong đội dành thời gian tập luyện, ôn kiến thức, biểu diễn tác phẩm sân khấu hóa sao cho đảm bảo chất lượng thông qua cách hòa giải khéo léo, thấu tình, đạt lý, hòa giải mâu thuẫn đúng theo quy định của pháp luật mà vẫn giữ gìn được đoàn kết trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư...

Đồng chí Lê Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 9/6/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Ninh Bình năm 2023, Phòng Tư pháp huyện Yên Khánh đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đội tuyển của huyện tham dự Hội thi.

Qua khảo sát thực tế cho thấy xã Khánh Cường là đơn vị có phong trào về công tác hòa giải tốt nhiều năm qua, tỷ lệ hòa giải thành cao. Do đó, UBND huyện đã lựa chọn đội tuyển xã Khánh Cường đại diện cho huyện tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2023.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho đội tuyển tham gia dự thi cấp tỉnh, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho Hội đồng Phổ biến pháp luật huyện hỗ trợ kinh phí tập luyện cho các thành viên đội tuyển; bố trí phương tiện, cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cho đội tuyển của huyện tham gia đạt thành tích cao nhất.

Thuận lợi của huyện trong việc tham gia Hội thi chính là huyện rất quan tâm công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở tại 268 tổ hòa giải, với 1470 hòa giải viên, qua đó trang bị kiến thức vững vàng cho các hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở cũng như tham gia Hội thi.

Đội tuyển Hòa giải viên huyện Yên Khánh tập luyện.

Để Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023 đạt chất lượng, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Hội thi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác hòa giải. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai.

Theo đó, đối tượng tham dự Hội thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp huyện hoặc hòa giải viên tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho huyện, thành phố tham dự Hội thi cấp tỉnh.

Mỗi huyện, thành phố cử 1 đội tham gia Hội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị là hòa giải viên. Đội thi được huy động thêm tối đa 5 người tham gia các vai phụ trong phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, các vai phụ này không được đóng vai hòa giải viên trong phần thi tiểu phẩm.

Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa với 3 phần thi: Phần thi giới thiệu; phần thi lý thuyết và phần thi tiểu phẩm. Tổng điểm tối đa của 3 phần thi là 100 điểm. Điểm từng phần thi của mỗi đội thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo trừ đi số điểm do quá thời gian quy định (nếu có). Tổng số điểm của đội thi là tổng điểm các phần thi của đội thi. Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị cho Hội thi cấp tỉnh từ bộ câu hỏi kiến thức đến xử lý tình huống; công tác hậu cần; giải thưởng… đã hoàn tất.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-chuan-bi-cho-hoi-thi-hoa-giai-vien-gioi-cap-tinh/d20230816111743568.htm