Tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều việc làm cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, thực hiện tốt hơn nữa sự nghiệp 'trồng người'.

Tiết học STEM của cô trò Trường THPT Gia Viễn A.

Tiết học STEM của cô trò Trường THPT Gia Viễn A.

Cùng dự buổi học STEM về Toán của cô và trò Trường THPT Gia Viễn A, nhận thấy sự đổi mới tích cực trong cách truyền thụ cũng như ứng dụng kiến thức trong cuộc sống, học sinh cuốn hút và tiếp thu bài học hào hứng, chủ động hơn.

Cô giáo Phạm Thanh Hà, giáo viên Toán, Trường THPT Gia Viễn A cho biết: Đặc thù của môn Toán rất khô khan nên tôi muốn tìm cách để đưa ra các phương pháp dạy học để học sinh có hứng thú nhiều nhất với môn học, chắt lọc kiến thức.

Việc dạy học STEM là phương pháp dạy học được đánh giá phù hợp nhất hiện nay nên tôi cố gắng áp dụng dạy học STEM trong các bài dạy cho học sinh. Để giảng dạy tốt môn Toán, giáo viên còn phải tìm hiểu thêm kiến thức liên quan như môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và nắm rõ mục đích của giáo dục STEM nhằm giúp học sinh giải quyết được những vấn đề thực tiễn. Mỗi lần dạy cần sự chuẩn bị nhiều hơn cả về kiến thức, nội dung, công cụ để sử dụng trong STEM.

Với việc đổi mới phương pháp dạy và học đã giúp thầy và trò đều sáng tạo, chủ động trong truyền thụ và tiếp thu kiến thức. Học sinh Đinh Trần Hà Anh, lớp 10 B5, Trường THPT Gia Viễn A cho biết: Tiết học STEM đã tạo cho em hứng thú, bởi những tiết học đổi mới thế này giúp em hiểu về parabol một cách dễ dàng hơn, giúp em rèn luyện được kỹ năng mềm như làm việc nhóm, hợp tác, giao tiếp và rèn luyện bản thân tự tin hơn, rèn luyện kỹ năng thuyết trình được tốt hơn.

Cô giáo Vũ Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn A cho biết: Năm học 2021-2022, Trường THPT Gia Viễn A có trên 1.200 học sinh với 30 lớp. Nhà trường đã thành lập được CLB STEM; các tổ nhóm chuyên môn làm các sản phẩm STEM; bố trí phòng trưng bày sản phẩm STEM với 50 sản phẩm. Qua đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học STEM đã tạo sự hào hứng, sáng tạo cho học sinh, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Năm học 2020-2021, kết quả giáo dục mũi nhọn nhà trường trong tốp đầu các Trường THPT cụm 1 của tỉnh; chất lượng đại trà xếp thứ 13 khối các trường THPT trong tỉnh; kết quả thi THPT tăng bậc so với năm học 2019-2020...

Việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm học gần đây đã được các trường xây dựng phương án giáo dục linh hoạt, thích ứng với điều kiện dịch bệnh ở các cấp độ dịch.

Cô giáo Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bình (thành phố Tam Điệp) cho biết: Năm học 2021-2022, Trường có 390 học sinh/10 lớp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo sự chỉ đạo của các cấp, nhà trường chủ động xây dựng 2 phương án, đó là khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, học sinh vẫn đến trường học tập và phương án nếu dịch bệnh phức tạp, địa phương thực hiện cách ly y tế, nhà trường sẽ dạy học trực tuyến cho học sinh.

Để việc dạy học trực tuyến diễn ra thuận lợi, nhà trường đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên chuẩn bị các bài giảng điện tử, chuẩn bị các phòng học; tổ chức cho mỗi lớp mở phòng học online riêng, học thử trực tuyến tại nhà vào các buổi chiều mỗi lớp/tuần. Đồng thời, nhà trường liên hệ với cha mẹ học sinh để nắm bắt các điều kiện khi phải tổ chức học trực tuyến.

Thực hiện chương trình cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn. Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị được kho dữ liệu giáo án điện tử đạt 50% thời lượng chương trình năm học, đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn khi có dịch bệnh xảy ra...

Kiểm tra kho dữ liệu học liệu bài dạy điện tử Trường TH Yên Bình (thành phố Tam Điệp).

Nhà giáo Phan Thành Công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác đổi mới, sáng tạo trong hoạt động động giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và vai trò của cả hệ thống chính trị, người dân tham gia và hỗ trợ cho giáo dục.

Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời cụ thể hóa, sát đúng với yêu cầu thực tiễn của toàn ngành và của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo, đảm bảo yêu cầu về trước mắt và có tầm nhìn dài hơi.

Nỗ lực tự đổi mới, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (thực hiện đổi mới về quản lý, phương pháp tổ chức giáo dục và đào tạo, đổi mới về kiểm tra đánh giá).

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng kiến thức tốt liên thông từ cấp THCS lên THPT thông qua việc ban hành nội dung chương trình, công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.

Chỉ đạo kế hoạch chuyên đề để tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa về Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (như đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay).

Tập trung triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

Khơi dậy, nhân lên niềm yêu nghề, tự tôn nghề nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành, tạo nhân tố quan trọng để cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục và đào tạo.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-doi-moi-sang-tao-trong-day-va-hoc/d20211120080713393.htm