Tích cực tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở

'Có rất nhiều vấn đề cần hòa giải trong cuộc sống, trong đó, hòa giải ở cơ sở tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư' - đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, TS.LS Đào Ngọc Chuyền tại hội nghị tập huấn kỹ năng cho luật sư tham gia Đề án 'Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở'.

Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Các luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội hỗ trợ pháp lý cho người dân tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội Ảnh: Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Các luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội hỗ trợ pháp lý cho người dân tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội Ảnh: Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Vừa qua, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng cho luật sư tham gia Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” theo Quyết định số 315 ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 215 ngày 17/7/2024 của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2030.

Theo TS.LS Đào Ngọc Chuyền, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, đến ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” giai đoạn 2024-2030. Chính bởi sự quan trọng này mà các luật sư cùng cơ quan, ban ngành cùng nhau thảo luận về vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở là luật sư theo quy định tại Điều 61, Luật Luật sư. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để các luật sư có thể là những hạt nhân triển khai trong việc hòa giải cơ sở.

TS.LS Đào Ngọc Chuyền cho biết, hòa giải cơ sở tạo ra một sự đồng thuận, đoàn kết và thống nhất trong cộng đồng dân cư nhằm xây dựng một đất nước phát triển, người dân được ấm no, hạnh phúc, dân chủ và văn minh. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng mong rằng, đội ngũ luật sư sẽ hưởng ứng, có trách nhiệm, thực hiện tốt Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là tập huấn tốt các kỹ năng cho luật sư nhằm thực hiện tốt mục tiêu nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ hòa giải ở cơ sở.

Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà, luật sư không phải là hòa giải viên. Tuy nhiên, luật sư sẽ hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ, tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Việc tập huấn kỹ năng cho các luật sư tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo Đề án là một trong những nhiệm vụ chính trị pháp lý mà Đoàn Luật sư TP Hà Nội chủ động, tích cực triển khai thực hiện theo mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật “Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở” mà Đoàn đã triển khai trong nhiều năm qua.

Để có thể triển khai tốt, có hiệu quả và đặc biệt là mang tính chuyên nghiệp cao, Đoàn Luật sư TP Hà Nội luôn chuẩn bị các bước cần thiết để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao từ Sở Tư pháp và các cơ quan của TP.

Tại hội nghị tập huấn kỹ năng cho luật sư tham gia Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”, bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư Pháp TP Hà Nội cảm ơn tinh thần đội ngũ luật sư TP trong việc thực hiện nhiệm vụ và công tác phối hợp cùng Sở Tư pháp TP Hà Nội về việc nâng cao kỹ năng hòa giải ở cơ sở hiện nay. Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn luôn được TP Hà Nội quan tâm. Đồng thời, hoan nghênh tinh thần của Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng.

Bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư Pháp TP Hà Nội cho biết, những năm qua, luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở góp phần vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong cộng đồng dân cư và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

Lê Mận

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tich-cuc-tham-gia-ho-tro-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-395926.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynda5mjkymzi3mjc=&secureurl=d0