Tịch thu hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc, xử phạt 5 cá nhân, 2 doanh nghiệp

UBND tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt hành chính 5 cá nhân, 2 doanh nghiệp với tổng số tiền 921 triệu đồng và tịch thu hàng chục nghìn tấn than là hàng hóa không rõ nguồn gốc, tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng.

Cụ thể, các cá nhân bị phạt ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) gồm: Bà Bùi Thị Ngọc bị phạt 94 triệu đồng, tịch thu 8.726 tấn than tổng trị giá gần 847 triệu đồng; ông Lại Tiến Mạnh bị xử phạt 94 triệu đồng, tịch thu 16.859 tấn xít than tổng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng; ông Đỗ Mạnh Dũng bị xử phạt 82,5 triệu đồng, tịch thu 301 tấn xỉ, 993 tấn xít nghiền với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 109 triệu đồng; ông Bùi Đức Tiến bị xử phạt 139 triệu đồng, tịch thu 1.424 tấn xỉ, 6.280 tấn xít với tổng trị giá gần 544 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Trường (ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) bị xử phạt 94 triệu đồng, tịch thu hơn 5.662 tấn than tổng trị giá 3,7 tỷ đồng.

Công ty TNHH một thành viên Thành Phát 668, trụ sở chính ở phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng và tịch thu hơn 2.247 tấn than cám 8C tổng trị giá gần 389 triệu đồng.

Công ty TNHH Thương mại và vận tải Trường Toàn QN, địa chỉ tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị xử phạt 237,5 triệu đồng, tịch thu 770 tấn xỉ, 2.743 tấn than các loại với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 233 triệu đồng.

Tổng Cục Quản lý thị trường kiểm tra bến bãi tập kết than tại Kinh Môn

Trước đó, ngày 27/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

C03 đã ra lệnh bắt tạm giam 12 người, trong đó có bà Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, trú tại quận 12, TP.HCM.

Đáng chú ý, trong số này có 2 bị can từng được biết đến là "đại gia" chơi lan đột biến nổi tiếng trên mạng là Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, cùng trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Kết quả khám xét xác định đường dây này đã khai thác hơn 2 triệu tấn than và tiêu thụ hơn 1 triệu tấn than. Từ việc khai thác than lậu, nhóm của bà Linh và hai anh em "đại gia" lan đột biến đã thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỉ đồng. Số than lậu này, đa phần được vận chuyển về các bãi than lậu trên địa bàn tỉnh Hải Dương để từ đó cung cấp bất hợp pháp đi các địa phương, xuất lậu ra nước ngoài.

Cũng trong ngày 27/8, Cục Quản lý thị trường Hải Dương cũng đã có báo cáo sơ bộ quá trình kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh than, khoáng sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn (nơi anh em Giang, Thanh thuê bến bãi).

Theo Cục Quản lý thị trường Hải Dương, sau khi lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt bãi than, đang lưu trữ hàng trăm tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, các tổ chức, cá nhân được kiểm tra đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh; hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến hàng hóa kinh doanh.

Các nội dung kiểm tra, bao gồm xác định lượng hàng tồn theo sổ sách, giấy tờ và thực, đo vẽ, xác định khối lượng, lấy mẫu, đối trừ số lượng với 14 tổ chức, cá nhân cũng đã có kết quả sơ bộ. Theo đó, tổng lượng hàng tồn tại 17 địa điểm kiểm tra khoảng 379.072 tấn.

Trong đó, 6 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa (than, khoáng sản) thực tế tồn trữ tại điểm kinh doanh lớn hơn số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào, cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho hoặc quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào với tổng khối lượng khoảng 46.154 tấn (dư).

Sơ bộ xác định số lượng hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại. Số lượng hàng hóa này đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường Hải Dương, 11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tồn tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn (hụt).

Trên cơ sở đối chiếu hóa đơn chứng từ nhập-xuất, lượng hàng luân chuyển trong quá trình kinh doanh và giải trình của doanh nghiệp, tổ chức họp liên ngành và tham khảo ý kiến chuyên môn để xác định: Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt trong phạm vi sai số cho phép, việc hao hụt có lý do, có căn cứ và phù hợp.

Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt vi phạm sai số cho phép, chiếm tỉ trọng lớn so với tổng lượng hàng hóa luân chuyển, xác định đây là lượng hao hụt không có lý do, căn cứ phù hợp. Cần xác minh mở rộng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để xem xét có dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác hay không.

3 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện xong việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh cũng như chưa thực hiện xong việc lấy mẫu hoặc cơ sở kiểm tra chưa xuất trình hết hóa đơn, chứng từ có liên quan cho đoàn kiểm tra.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tich-thu-hang-chuc-nghin-tan-than-khong-ro-nguon-goc-xu-phat-5-ca-nhan-2-doanh-nghiep-post164526.html