Tích tiểu thành đại, nhà đầu tư Gen Z nên bắt đầu đầu tư từ sớm
Không giống như các bậc tiền bối, ngày nay Gen Z đã rất có ý thức trong việc đầu tư tài chính từ khi ở độ tuổi đôi mươi để được hưởng trái ngọt khi bước vào những tháng ngày của độ tuổi trung niên.
Tích tiểu thành đại là điều mà thế hệ Gen Z ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu nhận ra và ý thức được. Theo một nghiên cứu được đưa ra hồi năm 2019 của Next Gen Personal Finance, có tới 33% học sinh cấp trung học phổ thông ở Mỹ có tài khoản ngân hàng, trong khi đó có tới 34% mở tài khoản phụ với cha mẹ mình.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, so với thế hệ millennium (những người hiện đang ở độ tuổi 30 - 40) thì tỷ lệ những người thuộc thế hệ Gen Z hiện nay bắt đầu tham gia hoạt động đầu tư tài chính là cao hơn.
“Năm 2019, có 27-28% Gen Z đầu tư vào cổ phiếu hoặc vào các quỹ hưu trí. Con số này là cao hơn nhiều so với những thế hệ trước. Vào năm 2004, khi những người thuộc thế hệ millennium ở vào độ tuổi của Gen Z hiện nay, chỉ có khoảng 18,7% trong số họ đầu tư vào cổ phiếu”, Lowell Ricketts, chuyên gia dữ liệu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng dữ trữ liên bang St Louis cho biết.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một chi tiết thú vị là, ở cùng độ tuổi, mặc dù tỷ lệ những người thuộc thế hệ millennium tham gia đầu tư ở năm 2004 so với hậu bối Gen Z của họ trong năm 2019 là thấp hơn, nhưng giá trị bình quân của danh mục chứng khoán của họ lại cao hơn, ở mức 3.200 USD/người so với 950 USD/người thuộc thế hệ Gen Z hiện nay.
“Rõ ràng là hiện đã có nhiều người Gen Z bắt đầu hành trình xây dựng sự thịnh vượng cho mình. Có còn hơn không”, ông Ricketts nói. Theo ông này, sự xuất hiện của các nền tảng đầu tư như Robhinhood hay các robot khuyến nghị đầu tư tự động như của Wealthfront và Bettertment (hai tên tuổi lớn trong ngành môi giới chứng khoán Mỹ) đã đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng đầu tư sớm trong giới trẻ hiện nay.
Công nghệ mới giúp nhà đầu tư tiếp cận với thị trường chứng khoán thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, và vì thế Gen Z ngày nay có nhiều cơ hội để tiếp cận với các sản phẩm đầu tư tài chính sớm hơn nhiều so với những thế hệ trước đây.
Do bắt đầu đầu tư và tích lũy tài chính từ sớm nên Gen Z có nhiều thời gian hơn để làm điều này, và thời gian thì lại là một yếu tố rất quan trọng cho phép họ khai thác một cách hiệu quả sức mạnh của nhân tố lãi kép.
Ông Rickketts lấy ví dụ, nếu đầu tư số vốn ban đầu là 300 USD vào chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số S&P 500, giả sử mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 10% và mỗi tháng bạn rót thêm 200 USD vào đây thì sau 30 năm số vốn mà bạn rót vào là 72.300 USD, trong khi tổng giá trị tài sản của bạn lên tới 458.049 USD - một con số mà bạn khó có thể tưởng tượng được từ khi mới bắt đầu.
Thế nhưng nếu bạn bắt đầu đầu tư muộn hơn và chỉ có khoảng 20 năm để làm điều này thì bạn chỉ có được 154.072 USD sau 20 năm từ số vốn đầu tư tổng cộng là 48.300 USD. Thời gian đầu tư của bạn càng dài thì khoản tiền mà bạn thu về được sau này sẽ càng lớn.
Những điều nói trên chưa phải là tất cả. Theo kết quả điều tra hàng năm về vấn đề hưu trí tại Mỹ năm 2021, có 70% Gen Z được hỏi cho biết hiện họ đã bắt đầu tiết kiệm cho việc nghỉ hưu và độ tuổi trung bình của họ là 19. Trong khi đó độ tuổi trung bình của thế hệ millennium để bắt đầu làm điều này là 25, còn với Gen X là 30 và thế hệ bùng nổ dân số - những người hiện ở vào độ tuổi 56-74 là 35.