Tiếc cho Thạch Kim Tuấn, tiếc cho cử tạ Việt Nam
Được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng cử tạ Việt Nam lại không thể hoàn thành trọng trách tại đấu trường Olympic khi mũi nhọn Thạch Kim Tuấn thi đấu dưới sức mình.
Sau tấm HCV tuyệt vời đến ngây ngất ở môn bắn súng, người hâm mộ Việt Nam không khỏi tiếp tục mơ mộng. Mọi sự chú ý trong ngày thi đấu thứ nhì tại Rio được dồn cả vào sàn đấu cử tạ hạng 56 kg nam, nơi bộ đôi Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn được trông chờ sẽ lại làm được điều kỳ diệu như cặp bài trùng Hoàng Xuân Vinh – Trần Quốc Cường.
Đâu đó vẫn còn chút nỗi lo âu về Thạch Kim Tuấn khi anh đến Rio với trạng thái cơ thể không thật sung sức do chấn thương đầu gối tái phát. Hơn 8 tháng qua, lực sĩ này chưa bao giờ yên tâm với sức khỏe của mình và điều không ai mong chờ đã đến, ngay tại thời điểm Thạch Kim Tuấn cần có được phong độ thi đấu sung mãn nhất.
Sau khi Trần Lê Quốc Toàn hoàn tất nội dung cử giật với thành tích 121 kg, Thạch Kim Tuấn bước ra sàn đấu với gương mặt hết sức tự tin. Tuy nhiên, ngay lần thực hiện đầu tiên với mức tạ 130 kg, anh lại không thành công. Lần hai, anh nâng được trọng lượng tạ này và lại tiếp tục thất bại khi mức tạ tăng thêm 3 kg, kém xa những gì Tuấn từng làm được trong tập luyện. Tính riêng nội dung cử giật, Tuấn chỉ xếp hạng 4, đứng sau Long Qingquan (Trung Quốc, 137 kg), Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên, 134 kg) và Singphet Kruaithong (Thái Lan, 132 kg).
Hy vọng tiếp tục được khơi lại ở nội dung cử đẩy khi Trần Lê Quốc Toàn liên tiếp thực hiện thành công các mức tạ 148 rồi 154 kg. Sự căng thẳng hiện rõ lên gương mặt của Thạch Kim Tuấn mỗi lần bước ra sàn đấu và anh thất bại trong cả ba lần cố gắng đẩy các mức tạ 157, 160 rồi 160 kg. Trong khi đó, các đối thủ chính của anh lại thi đấu cực kỳ hưng phấn. Om Yun-chol phá kỷ lục Olympic sau lần đẩy thứ ba với thành tích 169 kg còn Long Qingquan còn đáng nể hơn khi vừa xô đổ kỷ lục Olympic cử đẩy 170 kg, vừa thiết lập kỷ lục Olympic mới, cũng là kỷ lục thế giới mới về tổng cử với thành tích 307 kg! Thành tích cũ 305 kg do VĐV Thổ Nhĩ Kỳ Halil Mutlu thiết lập từ năm 2000, tại Olympic Sydney.
Ngay cả Singphet Kruaithong cũng làm nên kỳ tích khi lực sĩ Thái Lan này xuất sắc giành HCĐ với các thành tích lần lượt là 132 kg (giật), 157 kg (đẩy) và 289 kg (tổng cử), đem về tấm huy chương thứ nhì cho cử tạ Thái Lan sau khi đồng nghiệp nữ Sopita Tanasan giành HCV hạng 48 kg.
Ở môn TDDC, Phan Thị Hà Thanh hoàn thành 2 phần thi gồm cầu thăng bằng với 13,800 điểm và nhảy chống với 14,233 điểm. Cô sẽ còn tiếp tục thi đấu vào ngày hôm nay nhưng khả năng tranh chấp huy chương gần như là không thể.
Không ngoài dự đoán, ở nội dung thi không phải sở trường 400 m tự do, Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ về đích ở vị trí 8/8 vòng loại với thành tích 4 phút 16 giây 32.
Kết quả này kém xa thông số tốt nhất mà cô từng thực hiện được là 4 phút 7 giây 96 tại giải Arena Pro Swim Series 2016 tại Indianapolis (Mỹ). Còn ở nội dung 200m tự do nam, Hoàng Quý Phước chỉ về đích thứ 7 đợt bơi vòng loại với thành tích 1 phút 50 giây 39, không đủ để cạnh tranh một suất vào thi đấu bán kết.
Trước đó, ở môn rowing, nội dung đôi nữ hạng nhẹ mái chèo đôi của Tạ Thanh Huyền và Hồ Thị Lý bị hoãn do gió lớn. BTC cho biết lịch thi đấu cụ thể sẽ được sắp xếp lại.
Tính đến 8h00 ngày 8-8 (giờ Việt Nam), đoàn thể thao Trung Quốc vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 3 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Đoàn Úc với 3 HCV và 2 HCĐ lùi xuống vị trí thứ nhì và tiếp theo sau là các đoàn Ý, Hàn Quốc, Hungary… Đoàn thể thao Việt Nam xếp ở vị trí thứ 11 trên bảng tổng sắp.