Tiệc cưới không bia rượu - tại sao không?

Tiệc cưới nói không với rượu bia. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên

Đám cưới không dùng rượu bia là dịp để bầu bạn lâu ngày gặp lại tâm sự, hàn huyên, góp phần lan tỏa nếp sống văn minh, hạn chế lãng phí và góp phần giảm tai nạn giao thông trong cộng đồng.

Trưa 1/1, tôi đi dự đám cưới con gái anh bạn tổ chức tại nhà hàng Bán Đảo Ngọc (phường 7, TP Tuy Hòa). Khi ngồi vào bàn tiệc, điều làm tôi ngạc nhiên là không thấy các thùng bia để cạnh như thường lệ. Thay vào đó, các cháu phục vụ chỉ đặt các thùng nước ngọt có ga và nước suối. Đang thắc mắc thì anh bạn nói: Nhà trai ở huyện Phú Hòa theo đạo. Theo quy định của tôn giáo này thì đám cưới không dùng rượu bia. Vì thế, khi nghe thông gia đề nghị tổ chức như thế này thì mình nhất trí ngay. Có bia cũng được mà không có cũng chẳng sao. Miễn hai con sau này chung sống hạnh phúc trăm năm là được!

Quan sát đám tiệc, tôi thấy mọi người tham dự ăn uống, trò chuyện bình thường. Thỉnh thoảng những người cùng bàn cũng nâng ly nước mời nhau, chúc nhau rất vui vẻ, đặc biệt là không có cảnh tất cả cùng đứng dậy hô to “Dzô, dzô!” rồi cụng ly ồn ào như thường thấy ở các lễ cưới có mời bia trước đây.

Bàn tôi ngồi có bốn thanh niên và sáu trung niên, người cao tuổi. Tôi hỏi một bạn trẻ kề bên có cảm tưởng như thế nào khi ăn cưới mà không có bia, bạn ấy cười và trả lời: Dạ, con thuộc dạng không ham bia rượu nên thấy làm đám cưới như thế này cũng hay.

Đây là dịp để bàn bè lâu lâu gặp gỡ hỏi thăm sức khỏe, việc làm ăn và chụp ảnh lưu niệm cho vui nên ăn uống cũng không phải là vấn đề quan trọng lắm. Với lại con thấy có nhiều bạn uống nhiều quá, rất nguy hiểm khi lái xe về nhà. Chưa nói gặp cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn phạt hết tiền ăn Tết luôn, chú à!

Chợt nhớ trong một lần uống cà phê, anh bạn cùng tổ dân phố kể lại câu chuyện dự một đám cưới vào tháng 5/2019 ở ấp Năm Đô (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Theo lời anh, đám cưới này có hơn 40 bàn nhưng tuyệt nhiên không có một lon bia, chai bia nào mà chỉ toàn là nước suối, nước khoáng, nước ngọt.

Lúc đầu, nhiều người đến dự rất ngạc nhiên, thậm chí có người còn càu nhàu: Ngày vui gì mà kỳ cục ghê, không có bia bọt thì sao đôi trẻ hạnh phúc được? Ngay sau đó, chú rể lên sân khấu giải thích: Trước hết, tụi con xin chân thành cảm ơn quý khách và bà con hai họ đã dành thời gian đến chúc mừng và chung vui trong ngày trọng đại này. Tụi con tổ chức như vầy với mong muốn mọi người đều vui vẻ, thoải mái và nhất là an toàn sau khi xong tiệc về nhà.

Anh bạn kết luận: Đi đám hiếu hỉ ở miền Nam thì dứt khoát phải có bia rượu say sưa, tràn trề hơn dân Phú Yên hay nói chung là cả miền Trung mình rồi. Nhưng sau khi chú rể giải thích, khách dự nghe cũng rất có lý nên nhìn chung là đồng tình, ủng hộ. Hồi ấy, chưa có nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính vì uống rượu bia khi lái xe, gia đình này làm được như vậy cũng là “đi trước thời đại” đó nghe!

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, đám cưới mà thiếu bia rượu thì có gì đó hơi sai sai, không phải là ngày vui đúng nghĩa, cầm ly nước lên chúc phúc sao thấy lạt lẽo! Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, dự đám cưới, nhiều vị khách đã không giữ được sự tỉnh táo, chừng mực nên dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành động và lời nói của mình.

Từ đó, nhiều hệ lụy xấu xảy ra như sứt mẻ tình cảm, bị cảnh sát giao thông phạt tiền vì vượt quá nồng độ cồn cho phép, gây tai nạn giao thông cho mình và người khác. Vì vậy, đám cưới không dùng rượu bia là dịp để bầu bạn lâu ngày gặp lại tâm sự, hàn huyên, góp phần lan tỏa nếp sống văn minh, hạn chế lãng phí và góp phần giảm tai nạn giao thông trong cộng đồng.

HOÀNG KHÁNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/250895/tiec-cuoi-khong-bia-ruou-tai-sao-khong.html