Tiêm chủng đầy đủ phòng uốn ván sơ sinh

ĐBP - Uốn ván sơ sinh là bệnh nguy hiểm, do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết cắt dây rốn. Trẻ bị uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong cao. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 5 trường hợp bị uốn ván sơ sinh. Điều đáng nói, trong số 5 trường hợp mắc thì có tới 4 trường hợp đã tử vong.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Cuối tháng 6 vừa qua, không khí tang thương bao trùm lên gia đình chị Vàng Thị Dợ, bản Pá Lùng, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé). Gia đình chị Dợ không may mắn khi mất đi người con tên Sùng A T. chỉ sau 9 ngày sinh do bị uốn ván sơ sinh. Theo điều tra hồi cứu, ngày 16/6/2021, khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị Dợ đẻ thường tại nhà và cắt rốn cho trẻ bằng kéo dùng hàng ngày. 8 ngày sau (24/6), thấy con quấy khóc nhiều, bỏ bú, sốt cao, gia đình chị Dợ đưa cháu bé đến Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu T. bị suy hô hấp trẻ sơ sinh/viêm phổi/theo dõi viêm màng não/theo dõi bệnh uốn ván và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng ngày theo yêu cầu chuyên môn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cháu T. có biểu hiện cứng hàm, co giật từng cơn, thóp trũng, nhịp tim nhanh, bụng rốn có mủ, mềm, chướng nhẹ; nhiệt độ 38,20C, mạch 190 lần/phút, nhịp thở 42 lần/phút; được chẩn đoán do uốn ván rốn sơ sinh. Dù đã được điều trị tích cực song cháu T. đã không qua khỏi và tử vong ngày 25/6. Theo người nhà, cháu T. là con thứ hai trong gia đình; khi mang thai T., chị Dợ không tiêm vắc xin phòng uốn ván.

Trường hợp khác cũng tử vong do uốn ván sơ sinh là con của chị Vàng Thị Lang, bản Huổi Tang, xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ). Theo đó, ngày 2/10/2019, chị Lang tự sinh con tại nhà và cắt rốn bằng kéo dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Đến ngày 9/10, trẻ có biểu hiện quấy khóc, co cứng chân tay, khó thở, gia đình đã chuyển đến Phòng khám Đa khoa khu vực Ba Chà. Tại đây, Phòng khám chẩn đoán theo dõi viêm não/viêm phổi và tư vấn gia đình chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Mường Chà. Các y, bác sĩ tiếp tục chẩn đoán cháu bé bị viêm phổi sơ sinh, nhiễm trùng rốn; đồng thời chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo yêu cầu chuyên môn. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh tình cháu bé không thuyên giảm mà tử vong sau đó. Điều đáng nói, trong quá trình mang thai, chị Lang không được quản lý thai nghén, không tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván cũng như không đến các cơ sở y tế để khám thai định kỳ.

Ngoài trường hợp của chị Lang và chị Dợ, qua điều tra tiền sử và yếu tố dịch tễ của cơ quan chức năng, các trường hợp tử vong do uốn ván sơ sinh từ năm 2019 đến nay cũng không tiêm vắc xin phòng uốn ván và không đến các cơ sở y tế để sinh con. Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng. Khi bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh, trẻ thường có biểu hiện sốt cao 38 - 390C, có khi lên đến 40 - 410C, là tiền đề cho các cơn co giật diễn ra (một số khác lại có thân nhiệt xuống dưới 350C). Về tiến triển bệnh, nếu có diễn biến tốt thì các cơn co giật và triệu chứng cứng hàm ở trẻ sẽ giảm dần, miệng có thể há ra dần. Trường hợp có diễn biến nặng, có thể có biến chứng như viêm phế quản phổi, suy dinh dưỡng; nếu tiến triển xấu sẽ dẫn đến tử vong (tỷ lệ trẻ bị uốn ván sơ sinh tử vong chiếm khoảng 30 - 80% trường hợp mắc).

Theo bác sĩ Đàm Thanh Tú, mặc dù uốn ván sơ sinh là bệnh nguy hiểm song có thể phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Theo đó, để việc tiêm vắc xin đạt hiệu quả nhất, đối với phụ nữ phải tiêm đủ 5 mũi: Mũi 1, tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc cho nữ trong độ tuổi sinh đẻ; mũi 2, tiêm sau liều thứ nhất ít nhất 1 tháng; mũi 3, tiêm sau liều 2 ít nhất 6 tháng hoặc lần có thai sau; mũi 4 sau liều 3 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau; mũi 5 tiêm sau liều 4 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau. Sau khi tiêm đủ 5 mũi, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho bà mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/188728/tiem-chung-day-du-phong-uon-van-so-sinh