Tiệm giặt là đặc biệt của người khiếm thính tại Hà Nội

Tiệm giặt là đặc biệt của 3 cô gái xinh đẹp khiếm thính, nằm trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đang tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính và cũng giúp họ được học tập, rèn luyện tự tin hơn trong cuộc sống.

Cửa hàng giặt là của người điếc nằm ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có quy mô khá khiêm tốn, hoạt động 24/7 với một quản lý và 2 nhân viên.

Mỗi ngày, 3 cô gái trẻ dậy rất sớm giặt là cẩn thận từng bộ quần áo, từng đôi giày, rồi trực tiếp ship cho những khách ở gần. Những lúc rảnh rỗi, họ thường xuyên dọn dẹp lau chùi để cửa hàng luôn sạch sẽ.

3 cô gái xinh đẹp làm ở tiệm giặt là gồm Lương Thị Kiều Thúy (30 tuổi, quản lý tiệm giặt là) và 2 nhân viên là Tạ Thị Thúy (31 tuổi) và Lê Thu Ngân (18 tuổi). Họ đều là những người khiếm thính, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau.

Theo chị Lương Kiều Thúy là người quản lý tiệm giặt, đây là một mô hình phù hợp cho người điếc hoặc khiếm thính. Người điếc có thể làm chậm nhưng lợi thế ở khả năng quan sát tốt, tập trung cao độ vào công việc. Chỉ cần rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì thì họ sẽ là một thợ giặt là lành nghề, thậm chí làm tốt hơn nhiều người bình thường.

Từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt đến hơn 10 lần, nhiều khách hàng dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về...

Tại cửa hàng cũng có những công cụ hỗ trợ mọi người giao tiếp, như các bảng chữ để viết yêu cầu cần giặt đồ.

Được biết, để có cửa hàng này, chị Thúy đã được hỗ trợ để đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy móc thiết bị, thuê cửa hàng… Hiện nay, doanh thu của cửa tiệm có ngày lên tới gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mỗi nhân viên nhận mức lương trên 4 triệu đồng.

Mức lương dù chưa cao, nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc, và tự tin hơn vì đã có công việc ổn định và làm những việc có ích cho xã hội.

Nhiều khách hàng quen đến quán, chị Thúy và các nhân viên chỉ cần sử dụng các cử chỉ là họ đã hiểu.

Trong căn phòng bé nhỏ và ấm cúng này, có một góc nhỏ tại cửa hàng dán những mẩu giấy xinh xắn, nhiều màu sắc bắt mắt khiến khách ghé qua không thể không chú ý. Đó chính là nơi lưu lại những cảm nhận, suy nghĩ của các khách hàng.

Những lúc rảnh rỗi, 3 cô gái trò chuyện cùng nhau qua các cử chỉ và nét mặt với những nụ cười rạng rỡ xóa tan sự thiệt thòi, mệt nhọc trong cuộc sống kém may mắn của mình.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiem-giat-la-dac-biet-cua-nguoi-khiem-thinh-tai-ha-noi-post125201.html