Các nhà quan sát của tờ MW cho rằng tiêm kích Su-57 của Nga có lợi thế đáng kể so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác, từ các cảm biến, khả năng cơ động, phạm vi bay cho tới độ bền.
“Su-57 được trang bị 6 radar, radar chính N036 là loại mảng pha quét chủ động (AESA), cung cấp mức độ nhận thức tình huống cũng như hiệu quả tác chiến điện tử rất cao trong việc đối phó với các mục tiêu bí mật”, tờ MW viết.
Theo các chuyên gia quân sự, tiêm kích Su-57 là đại diện duy nhất của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm đã được sử dụng trong nhiệm vụ chiến đấu cường độ cao chống lại một thực thể nhà nước.
Su-57 không chỉ đảm nhiệm không kích mục tiêu trên mặt đất, mà còn hoạt động phức tạp hơn nhiều, bao gồm cả việc chế áp hệ thống phòng không đối phương và những cuộc đấu tay đôi trên không.
“Lực lượng hàng không vũ trụ Nga có thể sử dụng Su-57 để tiêu diệt máy bay đối phương nhằm tăng cường hơn nữa danh tiếng, ví dụ nó sẽ giao chiến với F-16 Mỹ một cách an toàn do phạm vi hoạt động của radar và tên lửa lớn hơn nhiều", tờ MW nhận xét.
Tuy nhiên lợi thế chính của tiêm kích Su-57 so với các đại diện khác thuộc thế hệ thứ năm, theo các tác giả nhà phân tích của ấn phẩm MW, nằm ở chi phí vận hành.
Máy bay chiến đấu của Nga được coi là ít tốn kém nhất trong số các đối thủ cạnh tranh, khi một giờ bay có giá gần bằng một nửa so với chiếc F-35 một động cơ nhẹ hơn của Mỹ.
Tờ MW nhấn mạnh: “Máy bay chiến đấu Su-57 Felon của Nga đã thoát khỏi cái bẫy chi phí trọn đời làm tổn hại đến các chương trình F-22 Raptor và F-35 Lightning II".
Trong vấn đề này, thắng lợi quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga là chi phí vòng đời của Su-57 chỉ tương đương với dòng Su-27, khiến cho "sự thay đổi thế hệ là rất khả thi" đối với Lực lượng hàng không vũ trụ Nga.
Yếu tố then chốt trong trường hợp này là việc tích hợp động cơ Izdeliye 30 thế hệ mới, có chi phí vận hành và yêu cầu bảo trì thấp hơn so với AL-31F và AL-41F trước đó.
Tờ MW viết: “Một ví dụ khác là việc sử dụng các giải pháp sáng tạo, chẳng hạn như sợi thủy tinh hấp thụ radar để tránh nhu cầu về lớp phủ đặc biệt như đã được thực hiện trên các máy bay chiến đấu của Mỹ”.
Giờ bay của F-22 và F-35 tiêu tốn của ngân sách quốc phòng Mỹ nhiều hơn 60 - 100% so với máy bay tiền nhiệm của chúng, đó là F-15 và F-16.
Cách tiếp cận này dẫn đến việc giảm phi đội máy bay trực chiến và tăng đáng kể kinh phí vận hành, trong khi đó Su-57 của Nga có những con số về chi phí hợp lý hơn nhiều.
Ngoài ra, chi phí bảo trì tiêm kích tàng hình F-22 Raptor ước tính lên tới hơn 800 triệu USD chưa bao gồm nâng cấp, trong đó chỉ có 140 triệu USD là chi phí dành cho bay.
Trên thực tế, sự mất cân bằng mạnh mẽ như vậy đã khiến Không quân Mỹ phải cắt giảm phần lớn dây chuyền sản xuất và bắt đầu lên kế hoạch cho ngừng hoạt động đối với F-22 Raptor.
Sự gia tăng các chi phí như vậy thường dẫn đến giảm mức độ sẵn có, theo tờ MW, điều này đặc biệt rõ ràng trong ví dụ về F-22 và F-35, khi Không quân Mỹ vẫn duy trì những chiếc F-16 dễ sử dụng với số lượng lớn hơn nhiều.
Các nhà quan sát chắc chắn rằng cách tiếp cận tỏ ra hợp lý hơn nhiều của Liên bang Nga sẽ giúp dễ dàng duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của Su-57.
“Mặc dù thực tế Su-27 Flanker chưa bao giờ rẻ khi vận hành do kích thước khổng lồ của nó - đây là một trong những máy bay chiến đấu lớn nhất và nặng nhất trên thế giới, nhưng giữ được mức chi phí này vẫn là thành tựu của Su-57".
"Ngoài phục vụ trong Không quân Nga, Su-57 còn giúp cho những khách hàng nước ngoài đang vận hành phi đội Flanker cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn", tờ MW kết luận.
Theo An ninh thủ đô