Tiêm kích Ukraine trang bị tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD của Mỹ

Thời gian qua, nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ đã cung cấp cho Không quân Ukraine tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD nhằm gây quá tải cho phòng không Nga. Hình ảnh tên lửa ADM-160 MALD được trang bị dưới cánh tiêm kích MiG-29 của Ukraine xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông và thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới chuyên gia quân sự.

Vũ khí độc đáo đánh lừa đối phương

ADM-160 MALD là tên lửa mồi nhử có thể lập trình dạng mô-đun, hay nói cách khác là một phương tiện bay tự động, không mang đầu đạn mà sử dụng khí tài đặc biệt tích hợp bên trong.

 Tên lửa mồi nhử ADM-160B được trang bị dưới cánh máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ. Ảnh: The War Zone

Tên lửa mồi nhử ADM-160B được trang bị dưới cánh máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ. Ảnh: The War Zone

Đây làm một vũ khí độc đáo được sử dụng để đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương. Mục đích chính của tên lửa là buộc hệ thống phòng không của đối phương phải đáp trả, từ đó tiết lộ vị trí của khẩu đội phòng không.

ADM-160 MALD có chiều dài 2,83m, sải cánh rộng 1,71m và trọng lượng khoảng 136kg. Tên lửa có thể bay liên tục trong khoảng 50 phút và có tầm hoạt động 925km, cho phép tiếp cận các mục tiêu ở xa và động cơ phản lực của tên lửa cung cấp khả năng bay và cơ động tốc độ cao.

Một trong những điểm nổi bật của tên lửa này là khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau như mồi nhử, gây nhiễu và trinh sát. Ngoài ra, tên lửa còn được trang bị hệ thống điều khiển bay tiên tiến cho phép nó lập trình đường bay, mô phỏng mặt cắt radar và cấu hình bay của nhiều loại máy bay.

ADM-160 MALD sử dụng dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS (GAINS II) nhằm cải thiện độ chính xác và nâng cao tính hiệu quả trong môi trường không có GPS. Đáng chú ý, tuy nhiệm vụ đã được lập trình sẵn, nhưng người sử dụng có thể thay đổi lộ trình, xác định lại mục tiêu trước khi phóng.

Tên lửa có thiết kế cánh gập, cho phép vận chuyển dễ dàng hơn. Khi phóng, các cánh mở ra và động cơ phản lực đẩy tên lửa theo lộ trình, tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến. Điều này làm cho đối phương không thể phân biệt được vì có quá nhiều mục tiêu, dẫn tới quá tải và bị gây nhiễu chủ động.

Tính linh hoạt cao

Các biến thể của MALD cũng giống như các tên lửa hành trình thu nhỏ. Chúng đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương bằng cách phát xạ gây nhiễu radar của đối phương thay vì tấn công bằng động lực. Bằng cách đó, tên lửa “giả” này sẽ khiến đối phương tin rằng có mối đe dọa đang đến gần từ nhiều hướng khác nhau, làm phân tán sự chú ý của lực lượng phòng thủ và các nguồn lực trước cuộc tấn công thực sự sắp xảy ra.

Biến thể MALD-J tăng cường khả năng “đánh lừa” với các chức năng gây nhiễu, phá vỡ radar và hệ thống liên lạc của đối phương và hỗ trợ chế áp điện tử cho các máy bay khác. Khả năng hoạt động tự động sau khi phóng theo đường bay được lập trình sẵn giúp tăng hiệu quả hoạt động của nó.

Thiết kế nhỏ gọn của tên lửa cho phép nó có thể mang theo nhiều tên lửa mồi nhử, giúp tăng đáng kể số lượng mồi nhử có thể triển khai trong một nhiệm vụ. Hơn nữa, việc tích hợp tên lửa ADM-160 MALD trên các máy bay hiện đại như F-16 và “pháo đài bay” B-52 mang lại sự linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả chiến đấu tổng thể.

Clip Tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tiem-kich-ukraine-trang-bi-ten-lua-moi-nhu-adm-160-mald-cua-my-794952