Tiềm năng cổ phiếu bất động sản thời dịch bệnh
Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4 năm 2020 đã diễn ra ngày 18/11, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của nhiều chuyên gia, diễn giả cùng hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính.
Nhóm ngành quan trọng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN- Index
Cổ phiếu Bất động sản là nhóm ngành có số thành viên góp mặt nhiều nhất trên sàn chứng khoán. Giao dịch của các cổ phiếu trong nhóm này cũng có sự phân hóa rõ nét. Nhiều cổ phiếu đã trở thành những tên tuổi quen thuộc và thu hút sự quan tâm chú ý của thị trường như: VIC, VHM, DXG, LDG VRE, NVL, PDR, DIG, LDG, TDH, DRH...
Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ cấu của thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu hiện có trên 744 doanh nghiệp niêm yết và 905 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương 71% GDP, tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua và đã vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra là 70% vào năm 2020. Số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đến nay đã có 30 doanh nghiệp trên cả 2 sàn, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản.
"Riêng cổ phiếu bất động sản, tính chung trên toàn thị trường thì giá trị vốn hóa lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% và đây là một trong những nhóm ngành quan trọng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN- Index", ông Lê Nhị Năng chia sẻ thêm.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy với thế giới. Đặc biệt, dịch bệnh đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề, ¼ việc làm bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi giá trị đứt gãy. Ngoài ra, tâm lý “lo sợ”, "cẩn trọng” cộng với biện pháp “cách ly địa giới" và “giãn các xã hội” cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Bối cảnh đó đã tác động đến thị trường chứng khoán nói chung và nhóm ngành cổ phiếu bất động sản nói riêng.
Rủi ro và tiềm năng song hành
Cũng chia sẻ với các nhà đầu tư tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành còn đưa ra một số quan sát về đầu tư tài chính, mà theo ông cần phải ưu tiên lựa chọn đầu tư hàng đầu là bất động sản, chứng khoán. Bởi vì, vốn hóa của thị trường cổ phiếu lớn hơn 70% GDP cộng với thị trường phái sinh và tính minh bạch hóa cải thiện. Trong năm 2020, số tài khoản cá nhân tăng rất mạnh, tính thanh khoản của thị trường khá cao, chỉ số VN-Index từ “đáy” vào tháng 3 đã bật tăng tốt.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng đây là những kỳ vọng có cơ sở do dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh quay trở lại quỹ đạo bình thường.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh Thanh Sơn.
Gần đây, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Khi lãi suất giảm mạnh, các kênh đầu tư như bất động sản sẽ luôn được coi là một kênh đầu tư tốt bởi vẫn có thể sinh ra hai dòng lợi nhuận từ khai thác kinh doanh cho thuê hoặc kỳ vọng tăng giá theo thời gian.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kỳ vọng được nâng hạng trong một vài năm tới cũng như Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân phát triển, kể cả quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đại dịch lên mọi ngành nghề của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng càng trở nên sâu rộng hơn, cả trên phương diện trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, bất động sản là một lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn, với mỗi dự án từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng cũng bị chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ, cả về thị trường kinh doanh nói chung, cũng như trong khía cạnh nguồn vốn, đặc biệt ở các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê...
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam về đầu tư bất động sản, khi phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại..., nguồn vốn đầu tư chủ yếu lấy từ ngân hàng. Và nay dưới tác động của đại dịch phải đóng cửa, mặt bằng bị trả hoặc không thuê mới, nhiều chủ đầu tư gặp khó trong vấn đề tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay.
Về bất động sản công nghiệp, TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, một điểm sáng của của thị trường Việt Nam chính là bất động sản công nghiệp mà lâu nay mới chỉ nói đến một phần nào đó mà chưa khắc họa được đầy đủ một bức tranh tổng thể về phân khúc này. Hiện nay, việc đầu tư quy mô lớn vào các bất động sản công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng (supply chain), khu công nghiệp, hậu cần kho bãi...
“Đây chính là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đặc biệt hơn, khi cán cân của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc đến các nước lân cận thì Việt Nam được xem là một điểm sáng nhờ cơ sở hạ tầng đang từng bước được thay đổi cùng với các thể chế chính sách đang mở rộng cánh cửa ra để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.
Theo số liệu thông kê vốn tư nhân, tính đến hết tháng 8/2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết đạt 397.000 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ dần quay trở lại với dòng vốn đầu tư mới kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường bất động sản dự kiến phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Về nguồn vốn FDI đến tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD.