Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Với việc sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc dự kiến vào cuối năm 2024 sẽ giúp tối ưu hóa nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, ổn định giá cả và nâng cao giá trị xuất khẩu của loại trái cây giá trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Phân loại sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tại Công ty TNHH Long Thủy

Phân loại sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tại Công ty TNHH Long Thủy

Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng đông lạnh địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường giàu tiềm năng Trung Quốc.

DƯ ĐỊA RỘNG MỞ

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc thị trường lớn này mở cửa chính thức cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Theo nội dung của Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh bao gồm: sầu riêng nguyên trái (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ). Năm 2023, thống kê từ Bộ Công thương Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 80%.

Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với diện tích tới tháng 8/2024 khoảng trên 22.000 ha, sản lượng thu hoạch 47.195 tấn (đạt 119,7% so với cùng kỳ năm 2023), sầu riêng được coi là một trong những cây trồng giàu tiềm năng và dư địa phát triển lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thời gian vừa qua, tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh ra thị trường nước ngoài nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực.

Riêng năm 2023, sản lượng nông sản xuất khẩu toàn tỉnh đạt 55,7% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh với giá trị 517,44 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là một trong năm thị trường xuất khẩu chính của tỉnh với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 141,61 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc như cà phê, hoa, trái cây (sầu riêng, chanh dây), rau, củ, quả chế biến, tơ tằm… Trong đó xuất khẩu sầu riêng tươi năm 2023 đạt 22.482 tấn (chiếm 18,1% tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh) và sầu riêng bóc múi 1.539,0 tấn (tương đương với 6.156,0 tấn sầu riêng tươi), chiếm 4,8% tổng sản lượng sầu riêng thu hoạch, đạt trên 2.400 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn tới địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Nội dung nêu ra các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

“Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam nhập chính ngạch sẽ tạo ra sự tăng trưởng lớn cho ngành hàng này. Tuy nhiên, có nhiều thách thức khi sầu riêng cấp đông cần doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn cao, cơ sở đóng gói đảm bảo các điều kiện cao, thủ tục đóng gói nghiêm ngặt của phía nhập khẩu” - một lãnh đạo ngành Nông nghiệp chia sẻ.

ĐẢM BẢO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA NGÀNH HÀNG

Tại địa bàn huyện Di Linh, ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện diện tích sầu riêng toàn huyện đạt 6.090,2 ha, trong đó diện tích trồng xen 5.061,6 ha và diện tích trồng thuần 1.028,6 ha và ước năng suất năm 2024 đạt 135 tạ/ha, sản lượng khoảng 35.100 tấn. Bên cạnh đó, địa phương đã được cấp 15 mã vùng trồng, trong đó 1 mã chung được cấp năm 2022 và 14 mã riêng được cấp vào năm 2023 với diện tích 624,82 ha, sản lượng đăng ký khoảng 19.019 tấn cùng 4 cơ sở đóng gói. Riêng đối với sầu riêng bóc múi, cấp đông địa phương hiện đã có một số doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện nhưng với thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Với tiềm năng, lợi thế lớn về loại cây đặc sản này nên theo ông Long, việc nhận tin vui sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu hàng cấp đông chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được các doanh nghiệp chờ đợi từ nhiều năm nay. “Sầu riêng cấp đông là giải pháp góp phần giải quyết những hạn chế khi chỉ xuất khẩu trái tươi. Dư địa phát triển ngành hàng mới này rất tiềm năng nên chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức, hướng dẫn quy trình triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện từng bước” - ông Long cho biết.

Theo các doanh nghiệp đang áp dụng sầu riêng cấp đông trên địa bàn tỉnh, điểm tích cực của sầu riêng đông lạnh là việc giảm bớt tình trạng ứ đọng hàng hóa khi vào chính vụ. Lượng hàng không bán tươi có thể chuyển qua chế biến, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu do hàng đông lạnh không chú trọng mẫu mã bên ngoài. Đây sẽ là kênh giúp điều hòa sản lượng để ổn định giá cả, tăng thêm thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp.

Ngoài 23 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân sản xuất, bao tiêu sản lượng sầu riêng thu hoạch hàng năm với việc cung ứng sầu riêng tươi (chiếm 88,8% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh, tương đương với 110.042 tấn) thì các doanh nghiệp chế biến dạng bóc múi và cấp đông còn khá thấp. Hiện chỉ có một số công ty thực hiện được như: Công ty TNHH TMSX Long Thủy; Công ty TNHH B'lao Food; Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng... với công suất 13.932 tấn tươi/năm, chiếm 11,2% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.

Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH TMSX Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) chia sẻ, mặc dù công ty chuyên về xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang Trung Quốc nhưng nhiều năm nay vẫn chú trọng cấp đông để bán tại thị trường trong nước với kho lưu trữ tối đa 500 tấn sầu riêng tách múi.

Theo ông Long, thông thường khi Công ty thu mua sầu riêng từ các hợp tác xã khoảng 1.000 tấn thì chỉ khoảng 60% số trái tươi đủ size, đủ chuẩn xuất khẩu, còn lại 40% quả chưa đủ tiêu chuẩn, hàng dư thừa sẽ tận dụng bán giá thấp và một phần tách múi cấp đông để bán.

“Trường hợp có thể xuất khẩu chính ngạch múi sầu riêng đông lạnh đi Trung Quốc sẽ giúp gia tăng lớn giá trị cho loại trái cây này hơn nhiều vì có thể xuất khẩu gần hết được sản lượng sầu riêng thu hoạch, chứ không chỉ tuyển lựa được số trái đủ chuẩn, từ đó sẽ đảm bảo hơn nữa được tính bền vững của trái sầu riêng cho người nông dân và cả doanh nghiệp” - ông Long nói và cho biết để đáp ứng tiêu chuẩn kho bãi, điều kiện cơ sở đóng gói đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp phải đầu tư lớn nhưng tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp, người dân có cơ hội rộng mở với sầu riêng đông lạnh.

Và để nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, đặc biệt là các điều kiện cần để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và các nước khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đang tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến vấn đề trên cho các doanh nghiệp. Nội dung tập huấn, tuyên truyền chính là các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản,...

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/tiem-nang-xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-3fd3297/