Tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 63/2018/QĐ/TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Góc nhìn

Nội dung đề án có nhiều đột phá quan trọng, nổi bật là xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư công theo từng nguồn vốn, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), vốn ODA đến vốn tín dụng đầu tư phát triển và vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp đồng thời sử dụng từng nguồn vốn đầu tư phù hợp với đặc điểm và tính chất của mỗi nguồn vốn.

Đề án đưa ra định hướng tập trung nguồn lực đầu tư công vào những lĩnh vực then chốt có khả năng tạo chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của sáu vùng kinh tế gắn với đặc điểm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng lãnh thổ, trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng giao thông và thủy lợi nhằm tạo ra và thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng đặt trong tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thông suốt.

Cũng theo đề án, cơ cấu lại đầu tư công được gắn chặt chẽ với cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả. Quan điểm chủ đạo là giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước đồng thời tăng tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước, vốn nhà nước đóng vai trò vốn mồi thông qua khẳng định hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) là quan trọng nhất. Cơ cấu lại đầu tư công nhằm giảm thâm hụt NSNN và giữ quy mô nợ công trong giới hạn an toàn.

Bên cạnh đó, đổi mới thể chế quản lý đầu tư công theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công đi đôi với cải cách thủ tục hành chính loại bỏ những thủ tục đầu tư rườm rà, hình thức, không cần thiết nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng năm trên 90%. Quản lý đầu tư công tuân thủ nguyên tắc tập trung, dứt điểm, tăng cường phân cấp, trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch và giám sát của toàn xã hội.

Cơ cấu lại đầu tư công một mặt nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, mặt khác thực hiện xã hội hóa đầu tư để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Không thể cơ cấu lại đầu tư công có kết quả nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ với xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công, thực hiện tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp đi đôi với đổi mới sắp xếp lại các DNNN.

Để bảo đảm quản lý đầu tư công có cơ sở vững chắc và hình thức hợp tác công tư PPP phát huy hiệu quả, ngăn chặn các hình thức biến tướng, lạm dụng, thậm chí vì lợi ích nhóm mà xâm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, của người dân và toàn xã hội, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến đầu tư công. Bên cạnh đó, cần củng cố và nâng cao hiệu lực hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán đầu tư công.

Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công, góp phần tích cực thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35415702-tien-de-quan-trong-de-nang-cao-hieu-qua-dau-tu-cong.html