Tiền Giang: Cần tạo thuận lợi trong đào tạo vận động viên năng khiếu

Thời gian qua, công tác đào tạo và huấn luyện vận động viên (VĐV) được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện tốt. Tuy nhiên, công tác đào tạo và thu hút VĐV trẻ, nhất là ở tuyến năng khiếu của Trung tâm vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Theo thống kê của Trung tâm, Trung tâm hiện có 195 VĐV năng khiếu và 88 VĐV tuyến trẻ ở các bộ môn: Bóng đá, Điền kinh, Bóng bàn, Cầu lông, Cử tạ, Rowing, Bơi lội, Boxing, Pencak Silat, Vovinam, Taekwondo.

Trong năm 2023, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chặt chẽ theo từng giai đoạn huấn luyện, làm cơ sở để đào thải những VĐV không phát triển chuyên môn và tuyển chọn bổ sung kịp thời những VĐV đủ tiêu chuẩn vào thay thế. Vì vậy, công tác đào tạo các lớp năng khiếu có sự chuyển biến tích cực so với những năm trước.

Theo đó, chỉ tính trong năm 2023, các VĐV năng khiếu và VĐV trẻ của tỉnh Tiền Giang đã tham dự 23 giải trẻ, thiếu niên toàn quốc và đã đoạt được 30 Huy chương Vàng, 29 Huy chương Bạc và 65 Huy chương Đồng.

Đây là thành tích rất đáng chú ý của các VĐV tuyến năng khiếu và tuyến trẻ của tỉnh. Nhiều VĐV nổi bật đạt được nhiều thành tích của thể thao Tiền Giang như Bảo Kha, Huyền Trân, Oanh Nhi, Sơn Đỉnh… đều phát triển từ lứa VĐV năng khiếu và trẻ trước khi thi đấu thành công.

Công tác đào tạo VĐV trẻ vẫn còn một số khó khăn.

Công tác đào tạo VĐV trẻ vẫn còn một số khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đào tạo VĐV trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do hạn chế về kinh phí đầu tư và nguồn nhân lực còn thiếu từ tuyến dưới. Trung tâm đã tổ chức tuyển sinh lực lượng VĐV năng khiếu các môn nhằm tạo nguồn nhân lực.

Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt chủ trương thành lập Đội tuyển năng khiếu Bóng đá U12 tỉnh Tiền Giang. Dù vậy, công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu vẫn còn gặp khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Lê Bá Tùng cho biết: Vừa qua, Trung tâm tổ chức tuyển sinh tuyến năng khiếu với lực lượng sơ tuyển là hơn 100 VĐV. Tuy nhiên qua thời gian đào tạo và tuyển chọn chỉ có 45 VĐV còn tập luyện và học tập tại Trung tâm.

Nguyên nhân là do có một số VĐV không đảm bảo chuyên môn. Đặc biệt, một số VĐV không được gia đình ủng hộ do thành tích học tập không tốt nên trở về địa phương tiếp tục việc học văn hóa. Việc các VĐV năng khiếu hiện nay chỉ tập luyện tại Trung tâm, còn việc học văn hóa ở bên ngoài nên khó khăn cho việc học tập cũng như tập luyện của VĐV.

Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện công tác quản lý sau giờ tập luyện tuy đã có giải pháp với kế hoạch cụ thể cho các hoạt động ngoài giờ tập luyện nhưng nhiều huấn luyện viên vẫn chưa thật sự quan tâm, giáo dục, chăm lo đời sống cho VĐV như ăn ở, học văn hóa, vui chơi, giải trí…

Theo Trung tâm, quá trình chuẩn bị chuyên môn cho các đội trẻ, đội năng khiếu khi tập luyện và tham gia các giải còn gặp nhiều khó khăn vì đa số các em còn đang trong độ tuổi đi học nên không có nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, do quy chế của ngành Giáo dục và Đào tạo nên việc xin phép cho các em VĐV nghỉ học để tham dự các giải thi đấu thể thao quốc gia gặp rất nhiều khó khăn. Việc bồi dưỡng lại kiến thức văn hóa cho các em sau thời gian tham gia thi đấu tại các giải trở về chưa được thuận lợi, do vướng về cơ chế.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Lê Bá Tùng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu các cơ quan cấp trên các văn bản mới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đào tạo VĐV năng khiếu, trong đó có nội dung về đào tạo văn hóa cho các VĐV ngay tại Trung tâm như trước đây (bởi việc học văn hóa của VĐV đã phải tạm ngưng từ khi thực hiện việc sáp nhập Trường Năng khiếu Thể dục thể thao và Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu thể dục thể thao trước đây vào tháng 8-2019).

Có như thế, Trung tâm sẽ có nhiều thuận lợi và chủ động hơn trong công tác đào tạo VĐV năng khiếu để bổ sung lực lượng tuyến trẻ và đội tuyển.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202409/tien-giang-can-tao-thuan-loi-trong-dao-tao-van-dong-vien-nang-khieu-1022320/