Tiền Giang: Đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ (CB), đảng viên (ĐV), góp phần củng cố, đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị tại địa phương.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy cùng sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành và đoàn thể các cấp, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) không những thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV, mà còn có sự đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học LLCT sát với thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ CB, ĐV vững vàng về chính trị để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Các học viên nhận Bằng tốt nghiệp lớp Trung cấp LLCT, hệ không tập trung năm 2024.

Các học viên nhận Bằng tốt nghiệp lớp Trung cấp LLCT, hệ không tập trung năm 2024.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, chương trình đào tạo Trung cấp LLCT trong thời gian qua đã có sự đổi mới với nội dung, cô đọng, thiết thực; đội ngũ giảng viên, báo cáo viên ngày càng được nâng lên về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo thực hiện tốt công tác giảng dạy theo đúng chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định, nhất là trong hoạt động quản lý giảng dạy, ra đề thi, chấm thi, hướng dẫn và chấm khóa luận.

Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm và có hình thức phù hợp để thường xuyên thăm lớp, kiểm tra giáo án, lấy phiếu thăm dò ý kiến của học viên đối với giảng viên để quản lý công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên; từng bước nghiên cứu đổi mới cách thức ra đề thi và định hướng những nội dung để học viên viết khóa luận theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Đồng thời, kết hợp hợp lý các hình thức thi viết, thi tự luận và thi trắc nghiệm nhằm hạn chế tình trạng sao chép, phụ thuộc vào tài liệu, giáo trình của học viên trong quá trình thi, kiểm tra…

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác giáo dục LLCT, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CB, ĐV luôn được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong quý III-2024, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan mở 137 lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ cho 11.583 học viên… Nhìn chung, công tác tổ chức, quản lý lớp học được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ từ khâu chiêu sinh, mở lớp cho đến công tác giảng dạy, sinh hoạt của giảng viên và học viên. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy chế, đảm bảo thời gian và nội dung của chương trình theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Còn đối với Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Phước Phạm Văn Hoàng cho biết, bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Trung tâm Chính trị huyện Tân Phước đã triển khai thực hiện tốt tất cả các mặt từ công tác điều hành, quản lý đến giảng dạy và học tập. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ được thực hiện đúng nội dung chương trình chuẩn do cấp thẩm quyền biên soạn, ban hành (trừ một số lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ khác), đảm bảo đúng đối tượng theo phân cấp đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét qua kết quả các bài thu hoạch, bài thi đánh giá nhận thức cuối khóa đều đạt yêu cầu.

Đồng thời, nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy về thực hiện nhiệm vụ công tác LLCT sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra ở cơ sở. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên, báo cáo viên đã chủ động liên hệ các vấn đề thực tiễn, cập nhật những nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; tích hợp triển khai các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng năm; lồng ghép các nội dung cơ bản Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyên đề phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch… Trong năm 2024, Trung tâm Chính trị huyện đã tổ chức được 12 lớp ngắn hạn, với tổng số 1.233 học viên tham gia học tập.

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV đã có sự đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp dạy, học LLCT đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong thay đổi về nhận thức, phương pháp tư duy của CB, ĐV, từng bước nâng cao trình độ LLCT, năng lực vận dụng để có đủ khả năng phân tích, giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn một cách chủ động, sáng tạo, phù hợp với quan điểm của Đảng, chính quyền địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tâm Chính trị huyện Tân Phước bế giảng lớp sơ cấp LLCT năm 2024 (Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phước cung cấp).

Trung tâm Chính trị huyện Tân Phước bế giảng lớp sơ cấp LLCT năm 2024 (Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phước cung cấp).

Tuy nhiên, qua khảo sát tại Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương), vẫn còn tồn tại một vài hạn chế như: Một số giảng viên thiếu kiến thức về mặt thực tiễn, vì vậy có lúc bài giảng chưa có tính thuyết phục cao. Một số học viên trong học tập chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn tư tưởng học để có đủ bằng cấp, đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm nên chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập; thiếu tích cực, chủ động trong nghiên cứu, ngại trao đổi, thảo luận.

Đồng thời, một số ít cấp ủy, tổ chức Đảng chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV. Nội dung chương trình giảng dạy còn nặng về lý luận, phần ứng dụng thực tế còn ít; tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện chưa được kiện toàn, bổ sung kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV, theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, trước hết, mỗi giảng viên, báo cáo viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm chính trị cao cả, nhưng cũng rất nặng nề của người giảng viên LLCT trong tình hình hiện nay, không ngừng nâng cao trình độ, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giảng viên, báo cáo viên khi lên lớp cần chú ý việc liên hệ giữa lý luận với thực tiễn, làm cho bài giảng sinh động và có tính thuyết phục cao.

Đồng thời, lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Từ đó, lựa chọn những vấn đề lý luận mà các thế lực thù địch, chống phá thường hay đề cập đến, nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng để đấu tranh, góp phần giúp cho người học có thêm những phản bác, luận cứ khoa học nhằm góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó là tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn cho đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cử giảng viên tham gia các chương trình đào tạo cao cấp chính trị, đào tạo sau đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cần phải có tinh thần, thái độ nghiêm túc, tuân thủ đúng các quy định, quy chế của nhà trường trong khóa học…

Còn đồng chí Phạm Văn Hoàng cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Trung tâm Chính trị huyện bám sát tình hình, nhiệm vụ của huyện, thực hiện tốt chức năng phối hợp đào tạo, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ CB, ĐV trên địa bàn huyện; kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị huyện đủ về số lượng và đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để lực lượng giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức được bồi dưỡng kiến thức, phương pháp giảng dạy hiện đại, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy…

HẢI ĐĂNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202410/tien-giang-doi-moi-trong-dao-tao-boi-duong-ly-luan-chinh-tri-1023435/