Tiền Giang: Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06

(ABO) Thời gian qua, Tiền Giang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 một cách thống nhất, có hiệu quả, đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ theo lộ trình đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tăng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang cấp Căn cước cho trẻ em trên 6 tuổi.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang cấp Căn cước cho trẻ em trên 6 tuổi.

Theo đó, qua theo dõi, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2024 đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đơn cử, dữ liệu dân cư duy trì đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, có trên 1,7 triệu công dân có thẻ Căn cước và thu nhận trên 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt trên 1,2 triệu tài khoản; việc triển khai thực hiện có hiệu quả các “mô hình điểm” như khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, thông báo lưu trú qua nền tảng lưu trú ASM đối với các cơ sở lưu trú, cơ sở khám, chữa bệnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ tổ chức triển khai thực hiện “các mô hình điểm” còn chậm, một số mô hình liên quan kinh phí chỉ mới triển khai thí điểm, chưa nhân rộng.

Người dân chưa tự nộp trực tuyến hồ sơ mà phải trực tiếp đến cơ quan để cán bộ hướng dẫn nộp trực tuyến. Số lượng đối tượng hưởng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện chi trả…

Nguyên nhân các tồn tại, hạn chế trên là do tinh thần quyết tâm, quyết liệt của một số lãnh đạo các đơn vị chưa cao, chưa tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 để thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Việc triển khai các “mô hình điểm” đa số là phát sinh kinh phí (phải đầu tư trang thiết bị, tốn phí xác thực dữ liệu dân cư qua thẻ Căn cước) và trước bối cảnh kinh tế khó khăn nên các doanh nghiệp chưa ứng dụng.

Đồng thời, trình độ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến của người dân còn nhiều hạn chế; điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân tham gia thực hiện dịch vụ này chưa nhiều nên người dân phải trực tiếp đến cơ quan để có cán bộ hướng dẫn thực hiện.

Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải xác định việc thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp, do đó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trực tiếp chịu trách nhiệm chính trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án 06.

Quá trình phân công giao nhiệm vụ cán bộ thực hiện Đề án 06 phải đảm bảo: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả thực hiện và theo Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung liên quan Đề án 06 trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội...; tập trung xây dựng các bài viết, video clip hướng dẫn công dân nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công để đăng tải trên Cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, của cơ quan, đơn vị; chia sẻ, viết các tin, bài về tiện ích từng “mô hình điểm”, giá trị của tài khoản định danh điện tử VNeID, việc sử dụng thẻ Căn cước thay thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh…

Ngoài ra, các địa phương thống nhất nhận thức, hành động và đảm bảo nguyên tắc “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu - 1 quyết tâm” để triển khai Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành, địa phương một cách xuyên suốt, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong triển khai Đề án 06.

Đối với Công an tỉnh phải phát huy vai trò cơ quan Thường trực trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan đôn đốc, thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 tại đơn vị, các ngành, địa phương.

Đăc biệt, lực lượng Công an tiếp tục tổ chức cấp Căn cước, thu nhận tài khoản định danh điện tử cho công dân, làm sạch dữ liệu dân cư.

Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh tiếp tục có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các nhiệm vụ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh an toàn hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; đảm bảo kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử VNeID trước ngày 15-10-2024.

Sở Giao thông Vận tải tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính “Cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe” đạt tỷ lệ tối thiểu 50% trong các tháng cuối năm 2024; triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe tại 4 cơ sở thi sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh; khẩn trương làm sạch dữ liệu Giấy phép lái xe để phục vụ công dân tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức triển khai Học bạ số tiểu học và đảm bảo 100% giao dịch về học phí giữa học sinh với nhà trường phải thanh toán không dùng tiền mặt. Các trường học yêu cầu 100% học sinh độ tuổi 4, 5, 12, 13 đang học tập tại các trường làm thủ tục cấp thẻ Căn cước nhằm làm tiền đề tiếp nhận hồ sơ học sinh nhập học tiểu học, thi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ trì, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã và phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công với cách mạng). Đơn vị phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai cập nhật, bổ sung, làm sạch dữ liệu đối tượng trẻ em, bảo trợ xã hội, người có công, tổ chức thu nhận AND cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Sở Y tế tiếp tục tổ chức khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử thay thẻ Bảo hiểm y tế, khai báo lưu trú qua nền tảng ASM; triển khai ít nhất 2 Kiosk y tế thông minh trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Đơn vị phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết kinh phí thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử để chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh của công dân vào hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai các “mô hình điểm” để đẩy mạnh nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn; đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn, trường hợp khó khăn, vướng mắc không bố trí được kinh phí thì báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh tham mưu đề xuất Thường trực UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Các địa phương phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các “mô hình điểm” trên địa bàn để người dân, doanh nghiệp thụ hưởng tiện ích của Đề án 06.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202410/tien-giang-khac-phuc-han-che-nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-de-an-06-1023433/