Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiết kiệm giảm

Tính đến ngày 20/5, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đã tăng 1,85% so với cuối năm 2019, tương đương mức tăng hơn 160.000 tỷ đồng từ đầu năm.

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan quản lý, trong những tháng đầu năm dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng thị trường tiền tệ, tín dụng vẫn cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối vẫn hoạt động thông suốt.

Tính đến ngày 20/5, tổng huy động vốn của các ngân hàng đã tăng 1,85% so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng cùng thời điểm cũng tăng 1,32%.

Với mức tăng này, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng trong gần 5 tháng qua ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, tương đương mức huy động bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày.

Ở chiều cho vay, tổng số tiền các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế thời gian qua đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương mức 773 tỷ mỗi ngày.

Như vậy, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng và tăng cao hơn so với doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng. Nhờ có nguồn tiền huy động cao nên thanh khoản hệ thống vẫn trong tình trạng dồi dào.

 Theo số liệu của NHNN, lượng tiền gửi gia tăng trong những tháng đầu năm chủ yếu đến từ cư dân. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo số liệu của NHNN, lượng tiền gửi gia tăng trong những tháng đầu năm chủ yếu đến từ cư dân. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng hiện ở mức thấp nhất 5 năm, với các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần (chiếm hơn 80% tổng lượng giao dịch) chưa đến 0,5%/năm.

Đáng chú ý, xu hướng tăng của tiền gửi ngân hàng này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với cuối năm trước.

Trong đó, tiếp theo 2 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành thêm 2 đợt vào tháng 3 và tháng 5 với tổng mức giảm 1,5%/năm.

Theo đó, cơ quan quản lý đã điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5%/năm xuống 4,25%/năm.

Báo cáo hoạt động ngân hàng trong tuần gần nhất (cuối tháng 5) của NHNN cũng cho thấy, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam hiện phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. So với đầu năm, biểu lãi suất này đã giảm tối đa 0,6%/năm.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ (%/năm):

Tương tự, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 4-4,25%/năm, giảm 0,75% so với trước đó; tiền gửi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng hiện ở mức 5,1- 6,6%/năm, giảm 0,4%/năm; và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,4%/năm, giảm 0,1%.

Theo khảo sát của Zing, với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở xuống, đã không còn nhà băng nào đưa ra mức lãi suất trên 8%/năm với hình thức tiết kiệm tại quầy (đầu năm có nhà băng đưa ra lãi suất 8,2%/năm).

Trong đó, nhiều ngân hàng trước đó nổi tiếng mới mức lãi suất tiết kiệm tại quầy cao như NCB, CBBank, Vietcapitalbank, NamABank… hiện phổ biến niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,6-7,8%/năm.

Trong khi đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank… hiện chỉ ở mức 6,5%/năm, giảm 0,3-0,4% so với đầu năm.

Đà giảm tương tự cũng được các ngân hàng áp dụng với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3-9 tháng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-gui-vao-ngan-hang-van-tang-du-lai-suat-tiet-kiem-giam-post1092103.html