Tiên phong đầu tư nước sạch đến vùng nông thôn

Là 1 trong 6 doanh nghiệp (DN) tiên phong đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch cung cấp cho nhân dân vùng nông thôn huyện Sông Lô từ năm 2018, đến nay, sau 4 năm đi vào hoạt động, nhà máy nước Sông Lô đã khẳng định thương hiệu và uy tín, hiện đang cung cấp nước sạch cho 2.000 hộ dân huyện Sông Lô, góp phần cải thiện nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.

Khu vực sản xuất nước thành phẩm của Nhà máy nước Sông Lô

Khu vực sản xuất nước thành phẩm của Nhà máy nước Sông Lô

Nhận thức được tiềm năng, lợi thế của việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ bà con nhân dân thị trấn Tam Sơn và các xã xung quanh trung tâm huyện Sông Lô, năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Sông Lô đặt tại thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) có tổng giá trị đầu tư gần 140 tỷ đồng với tổng công suất thiết kế 16.000 m3/ngày/đêm, đảm bảo cho hơn 10 nghìn hộ được phân vùng cấp nước và chuẩn bị cung cấp nước cho các DN đến đầu tư tại khu công nghiệp Sông Lô 2 và cụm công nghiệp (CCN) Đồng Thịnh. Đây là 1 trong 6 dự án tiên phong đầu tư sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Để đảm bảo chất lượng nước đầu ra, nhà máy nước Sông Lô sử dung công nghệ hiện đại của Việt Nam với phương pháp xử lý truyền thống lắng, lọc cát loại trừ cặn cứng lơ lửng và loại trừ vi khuẩn, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Công nghệ này đã được Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1 đưa vào ứng dụng tại nhà máy nước Tam Dương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang sử dụng, được các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá chất lượng.

Cụ thể, nhà máy sử dụng công nghệ xử lý nước hợp khối bằng những loại vật liệu thép được sơn chống rỉ, chống ăn mòn; vật liệu inox, chống ăn mòn, bền và bóng.

Vật liệu composite có cấu tạo từ nhựa polyester và sợi thủy tinh và thép không gỉ, được chế tạo theo Module kết cấu thép 2.000m3/ngđ, 1 Modole bao gồm bể trộn thủy lực, tiếp theo đến lắng đứng Lamen kết cấu thép, chế tạo sẵn, lắp ghép tại hiện trường; bể lọc nhanh tự rửa cũng bằng thép chế tạo sẵn, lắp ghép tại hiện trường nên giá thành hợp lý.

Với chất lượng nguồn nước khai thác tự nhiên tốt, sản xuất trên dây chuyền hiện đại, nhà máy sản xuất nước sạch Sông Lô đã được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn.

Sau hơn 1 năm khẩn trương thi công xây dựng, đầu năm 2019, nhà máy đã hoàn thiện và đi vào hoạt động giai đoạn I, cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc thị trấn Tam Sơn và các cơ quan đơn vị gần kề với trung tâm huyện.

Đến tháng 4/2020, nhà máy tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 và đưa vào hoạt động toàn bộ nhà máy với tổng công suất thiết kế 16.000 m3/ngày/đêm.

Nhân viên Nhà máy nước Sông Lô vận hành máy bơm

Nhân viên Nhà máy nước Sông Lô vận hành máy bơm

Hiện đang cấp nước cho hơn 2000 hộ dân với sản lượng đạt 2000 m3/ngày/đêm, chiếm 15% tổng công suất thiết kế, tạo đủ việc làm cho 15 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cấp nước Lê Thị Kim Khánh cho biết: Với đội ngũ lãnh đạo và kỹ thuật có kinh nghiệm lâu năm làm việc trong ngành sản xuất nước sạch, công ty đã tận dụng nguồn nước mặt tự nhiên từ sông Lô để sản xuất nên giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh phù hợp với túi tiền người dân vùng nông thôn.

Hiện công ty bán nước theo khung giá của UBND tỉnh quy định từ 8.500 - 13.200 đồng/m3 đối với hộ gia đình (theo số nước sử dụng); đối với đơn vị hành chính sự nghiệp giá bán 13.200 đồng/m3; giá nước sản xuất vật chất giá 14.000 đồng/m3, nước sản xuất kinh doanh 15.000 đồng/m3. Tuy nhiên, mức tiêu mức tiêu thu nước thương phẩm còn khiêm tốn, chưa đạt 15% công suất thiết kế.

Ông Nguyễn Xuân Mai ở thị trấn Tam Sơn cho biết: "Từ năm 2019 đến nay, gia đình tôi cùng nhiều gia đình trong tổ dân phố đã sử dụng nước của nhà máy nước Sông Lô, thấy rất tốt cho sức khỏe và giá mua nước cũng phù hợp". Với 4 khẩu chung sống trong 1 hộ, hằng tháng, gia đình ông Mai tiêu thụ khoảng 20 m3 nước với chi phải thanh toán chưa đến 300 nghìn đồng/tháng.

Giai đoạn 2023 - 2025, Công ty cổ phần đầu tư cấp nước Vĩnh Phúc dự kiến đầu tư mở rộng đường ống tới KCN Sông Lô 2 và CCN Đồng Thịnh; tối ưu hóa hệ thống xử lý nước đầu nguồn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến khách hàng là DN, hộ sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nước thương phẩm sẽ tăng gấp 2-3 lần hiện nay, đảm bảo 100% người dân trong vùng được sử dụng nước sạch.

Bài, ảnh: Xuân Nguyễn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95886//tien-phong-dau-tu-nuoc-sach-den-vung-nong-thon